Bắc Ninh tổ chức đánh giá mô hình sản xuất lúa DT82 liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Xuân 2024

Vụ Xuân 2024, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa DT82 liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 20 ha tại huyện Gia Bình và Lương Tài. Giống lúa DT82 được đánh giá có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng kháng bệnh, cơm dẻo, năng suất lúa tươi ước đạt 77,34 tạ/ha.
giong-lua-dt82-1718863710.jpg
Giống lúa DT82 còn có ưu điểm chống đổ và bệnh bạc lá tốt. Ảnh minh họa

Ngày 19/6, tại xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị đánh giá mô hình “Sản xuất lúa DT82 liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Xuân 2024”.

Giống lúa DT82 là giống do Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính giữa giống Bắc Thơm 7 và IRBB62, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là giống có triển vọng để mở rộng sản xuất. 

Tham gia mô hình sản xuất, các HTX, hộ dân được hỗ trợ 50% giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát quá trình sinh trưởng, phát triển.

Sau 4 tháng triển khai mô hình, giống lúa DT82 được các đại biểu đánh giá có sự sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian sinh trưởng ngắn so với các giống lúa Khang dân 18, Q5 đang được cấy tại địa phương từ 3-5 ngày; đẻ nhánh khỏe, khả năng kháng bệnh, chống đổ tốt, trỗ tập trung, lá đòng to, dày, bông dài, hạt xếp mít, gạo trong, cơm dẻo, vị đậm, có mùi thơm nhẹ; năng suất thóc tươi lúa DT82 ước đạt 77,34 tạ/ha.

Thực tế sản xuất giống lúa DT82 tại xã Bình Dương (Gia Bình) cho thấy giống lúa DT82 có khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh, chống chịu sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá tốt, chống đổ khá, năng suất thực thu dự kiến đạt 78,56 tạ/ha. Với mức kinh phí được hỗ trợ, nông dân tham gia sản xuất có lãi 1,5 triệu đồng/sào.

Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa DT82 và đề nghị tiếp tục đưa vào sản xuất trọng vụ Mùa 2024. Kết quả của mô hình là cơ sở đầy đủ để ngành Nông nghiệp, các địa phương chỉ đạo nhân rộng, trình UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận cơ cấu hỗ trợ giống lúa trong các vụ tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh.

Hiện nay, Công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm lúa với các HTX, hộ nông dân, Các HTX, hộ sản xuất phải cam kết bón đủ lượng phân theo thời điểm sinh trưởng, phát triển của lúa, không bón lai rai làm nhiều đợt; thường xuyên thăm đồng và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, ghi chép nhật ký đầy đủ...

Trước đó, thực hiện Kế hoạch Khuyến nông, vụ Xuân năm 2024, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh đã triển khai xây dựng 4 mô hình lúa. Trong đó có 2 mô hình giống lúa do Công ty cổ phần giống cây trồng Bắc Ninh cung ứng: Mô hình sản xuất lúa Tân ưu 98 liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 20 ha; mô hình sản xuất lúa DT82 liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 20 ha.

Thành công bước đầu chuyển đổi các loại giống lúa mới trong sản xuất vụ xuân ở Bắc Ninh đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cho người dân, giúp các địa phương chủ động được nguồn giống tại chỗ, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất, sản lượng cao hơn, bổ sung vào cơ cấu giống, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân./.

Trần Quỳnh