Tại hội nghị đánh giá mô hình, các chuyên gia, nhà quản lý, HTX, các hộ tham gia sản xuất cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá hiệu quả mô hình “Sản xuất lúa ĐH12 tập trung theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm” vụ Xuân 2024. Qua đó, chia sẻ, kiến nghị, đề xuất ngành Nông nghiệp, các địa phương quan tâm chỉ đạo, nhân rộng mô hình và đưa vào cơ cấu hỗ trợ giống lúa của tỉnh trong các vụ tới, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Vụ Xuân năm 2024, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh triển khai xây dựng mô hình “Sản xuất lúa ĐH12 tập trung theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại các huyện: Lương Tài, Yên Phong và thị xã Quế Võ với tổng diện tích 70,4ha.
Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% giá mua giống lúa và 50% lượng phân bón, đồng thời được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hoá trong từng khâu sản xuất, có cán bộ theo dõi bám sát quá trình sinh trưởng, phát triển.
Sau 4 tháng sản xuất, giống lúa ĐH12 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Bắc Ninh, có các đặc tính nông sinh học tốt: Thấp cây, cứng cây, đẻ nhánh khoẻ, sinh trưởng tốt, khả năng kháng sâu bệnh khá, gạo thơm nhẹ, đậm vị, năng suất cao, đạt gần 80 tạ/ha (khoảng 3 tạ/sào). Với giá thu mua từ 7.500đ - 8.000/đkg, ĐH12 có lợi nhuận thu cao hơn giống lúa đối chứng khoảng 10 triệu đồng/ha.
Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã lai tạo và chọn lọc thành công giống lúa thuần ĐH12 có nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, cây cao trung bình, cứng cây, lá đòng hơi mo, thích ứng rộng, năng suất cao, hạt gạo dài, chất lượng gạo tốt, cơm mềm đậm ngon. Bởi vậy, giống ĐH12 đã được lựa chọn là một trong những giống lúa trong Chương trình Sản phẩm Quốc gia về lúa gạo.
Hiện nay, công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Apollo Việt Nam là đơn vị cấp giống, chịu trách nhiệm bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các hộ tham gia mô hình.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Qua đó, sẽ thúc đẩy hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, từng bước hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa hàng hoá theo nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân./.