Bác Hồ phê bình báo tết

Chúng tôi còn nhớ mãi câu chuyện báo tết có đăng “rượu Mùi” mà Nhà báo Quang Đạm - Báo Nhân dân đã kể cho chúng tôi nghe khi chúng tôi ở Hội Nhà báo Việt Nam sang phối hợp với báo Nhân dân tổ chức cuộc hội thảo tuyên truyền về điển hình kinh tế mới trên báo chí cuối năm 1984.
chu-tich-ho-chi-minh-gap-go-cac-dai-bieu-du-dai-hoi-dai-bieu-hoi-nha-bao-viet-nam-lan-thu-iii-thang-31963-anh-ttxvn-1674174812.jpg
Ảnh minh họa

Nhà báo Quang Đạm kể: “Có một lần Bác Hồ phê bình rất nghiêm khắc báo Nhân Dân, đó là lần bị phê bình nặng nhất. Nguyên do là có một cái sai trong mẩu tin như là quảng cáo thôi. Vì nó ngắn, nhỏ nên chính anh em trong cơ quan báo coi thường. Nhưng Bác chỉ thị cho Bộ biên tập kiểm điểm nghiêm khắc, phải mất gần một tháng, học tập và kiểm điểm.

Hồi đó vào cuối năm 1956, nhà máy rượu của ta có sản xuất ra được loại rượu Mùi (bây giờ ta vẫn gọi là rượu màu hay như rượu vang đỏ vẫn dùng trong ngày tết...). Mới đầu sản xuất được nhiều, bán rộng rãi nhưng gần tết lại hết. Để giữ uy tín và thành tích, nhà máy nhờ báo Nhân Dân đăng cho một cái tin vắn là tết có rượu Mùi nhưng không bán mà chỉ để phục vụ Phủ Thủ Tướng và các cơ quan quốc tế.

Lúc bấy giờ chưa có bộ Nội Thương, Ngoại Thương mà do Bộ Tài Chính quản lý việc này. Vì thế trước khi đưa lên mặt báo, tin trên đã có thông qua Bộ Tài Chính. Báo Nhân Dân đưa lên tin vắn vẻn vẹn chưa đến ba dòng. Thế mà ngay ngày hôm sau Bác giận lắm, gọi chúng tôi lên, và bảo phải kiểm điểm sâu sắc xem đưa lên báo như thế thì tư tưởng như thế nào? Các chú có nghĩ là thông tin này đối với Nhân Dân đã dở mà còn đối với chính phủ cũng dở quá.

Vì mới sản xuất được tí rượu Mùi lại dành cho Phủ Thủ Tướng và quốc tế, thế còn dân thì sao? mặc Nhân dân trong ngày tết sao? Qua câu chuyện này, càng về sau, khi trưởng thành trong nghề báo, chúng tôi càng thấm thía. Quả thực, không phải bất cứ tin nào, vấn đề gì mới cũng đưa được lên mặt báo. Nhiều vấn đề Nhà báo phải suy xét, cân nhắc, thậm chí phải nghiên cứu điều tra cho chính xác, có lợi cho cách mạng, cho dân, cho nước mới đưa. Qua câu chuyện này, chúng tôi cũng rất khâm phục sự đọc kỹ các bài báo của Bác. Bác không chỉ đọc xã luận, chính luận... mà Bác quan tâm ở trên báo cả những mẩu tin nhỏ, mục “bạn cần biết”…v.v

Một câu chuyện khác. Có lần báo đăng tin về màn ảnh sân khấu, Bác cũng phê bình sự xếp chữ thiếu cẩn thận. Hai đầu đề phim cùng chiếu ở rạp Kim Đồng lại đề: “con chó trắng” với “Ni-Ki-Ta của chúng ta” nếu đọc liền câu là “Con chó trắng với Ni-Ki-Ta của chúng ta” thì rất phiền toái về chính trị thời đó, mà đáng lẽ phải xuống dòng, gạch hai đầu dòng của hai tên phim. Chính những điều này, khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về những lời Bác dặn, đặc biệt là về sự quan tâm theo dõi của Bác đối với cán bộ.

Bác nói: Tờ báo là quan trọng nhưng do cán bộ làm. Báo nào cũng vậy. Cán bộ làm báo là chiến sỹ của Đảng trên mặt trận tư tưởng, đứng trên tuyến đầu đấu tranh tư tưởng. Đối với chúng tôi ở báo Nhân Dân cũng như anh em báo, tạp chí khác, Bác nhắc nhở rất nhiều. Có lần Bác gọi chúng tôi tới, giao một loạt bài báo, ký tên dưới bài viết là Tuyết Lan, nhân tiện, Bác hỏi: tình hình các cô, các chú thế nào? Bác hỏi rất tỷ mỉ về sức khỏe và đời sống của người làm báo. Cuối cùng Bác hỏi lương như thế nào? Người có lương trung bình, người có lương ít nhất, nhiều nhất bao nhiêu? Chúng tôi báo cáo thành thật với Bác.

Bác bảo: lương như thế là được rồi đấy, gần bằng lương Bác rồi, không chênh lệch lắm đâu. Bây giờ Bác lo cho các cô, các chú là cái học. Lần nào đến thăm báo Nhân Dân, Bác cũng nói đến việc làm và việc học tập. Bác bảo Người làm báo mà ngừng học lúc nào là coi như đứng lại. Tất cả các cán bộ các cấp các ngành đều phải học nhưng cán bộ làm báo càng phải học nhiều hơn, học bền và chăm hơn. Bác kể chuyện về việc học như thế nào của Bác từ ngày Bác rời đất nước ra đi.

Đặc biệt là việc Bác học tập và rèn luyện để viết báo bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Thái Lan. Bác nói sự nghiệp trồng người trong vườn cây báo chí của chúng ta thật quan trọng vô cùng. Người làm báo có tốt, có thực sự là người trí thức là người chiến sỹ tiên phong thì tờ báo mới thành ngọn cờ của cách mạng, mới góp phần vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc được. Những lời phê bình và dạy bảo của Bác cứ đọng mãi trong tâm trí chúng tôi - Những người làm báo cách mạng từ những ngày đấy./.

Phạm Tài Nguyên