Bắc Giang tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật

Tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các Sở và địa phương nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người; Chấp hành nghiêm việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; Phải có người quản lý và đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định nơi công cộng.
z5206200346733-e79362d26d556b5ae86e70a4316370ea-1709264907.jpg
Người nuôi chó, mèo phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, tiêm vắc xin đầy đủ, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh. Ảnh: Trần Quỳnh

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 947/UBND-NN yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo. Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh. Khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải có người quản lý và đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định.

Chủ động kinh phí mua bổ sung hóa chất, vắc xin ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn. Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho 100% đàn chó, mèo; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người và biện pháp phòng tránh. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng, chấp hành nghiêm việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn phải chủ động đến cơ quan y tế khám và điều trị kịp thời.

Đồng thời, chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc quản lý và tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi. Thành lập các Đoàn Kiểm tra phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y, y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dại tại các địa phương.

cho-meo-1709264907.png
Mọi người không nên chủ quan khi bị chó, mèo cắn, phải chủ động đến cơ quan y tế khám và điều trị kịp thời.Ảnh minh họa

Trong công văn cũng nêu rõ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cần tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dại động vật giai đoạn 2022-2030.

Triển khai lấy mẫu giám sát chủ động bệnh Dại theo Kế hoạch số 25/KHUBND ngày 31/01/2024 của UBND tỉnh về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 và tình hình thực tế tại tỉnh. Tham mưu xây dựng Đề án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại trên đàn chó, mèo tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật. Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất để thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt 100%. Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch.

Tiếp đến, duy trì hoạt động của các Đoàn Kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét, nắng, nóng và dịch bệnh động vật đã thành lập năm 2024 tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại tại các địa phương trong tỉnh.

Đối với Sở Y tế, cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, UBND các huyện, thành phố trong việc giám sát dịch bệnh, tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh Dại ở người.

Ngoài ra, các cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp PTNT, Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về bệnh Dại, mức độ nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống, đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng bệnh Dại bắt buộc đối với đàn chó, mèo, không thả rông chó.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 18 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại 14/63 tỉnh (tăng 9 trường hợp so với cùng kì năm 2023); số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại là gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023); kết quả giám sát bệnh Dại có 16 tỉnh với 21 huyện, 26 xã có dịch, số động vật buộc phải tiêu huỷ là 67 con. Nguy cơ cao dịch bệnh Dại tiếp tục xảy ra khi thời tiết chuyển sang mùa hè nắng nóng./.

Bệnh dại là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và tiến triển với tốc độ rất nhanh, gây ra nhiều cái chết thương tâm cho thú nuôi và gây nguy hiểm cho chủ nuôi lẫn các thành viên trong gia đình. Do đó để bảo vệ cho gia đình và cả chính bạn trước căn bệnh nguy hiểm này, phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin chủ động là phương án tối ưu nhất mà bạn nên áp dụng.

 

Trần Quỳnh