Kiểm lâm Bắc Giang ứng dụng công nghệ thông minh nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng

Rừng có vai trò rất lớn đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Để quản lý và bảo vệ rừng được tốt hơn ngành Lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang đã đưa vào sử dụng 15 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động trên địa bàn tỉnh, thuộc dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng. Việc sử dụng biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động mang lại hiệu quả chính xác hơn, không mất thời gian, tốn nhân lực như biển báo thủ công trước đây, đáp ứng yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng dự báo cháy rừng, đảm bảo tính chính xác, kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng diện tích rừng (gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng) của tỉnh Bắc Giang là 160.223 ha, trong đó rừng tự nhiên là 55.092ha, rừng trồng là 92.797ha, rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 12.334ha, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 38%. Diện tích rừng tập trung chủ yếu trên địa bàn 04 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.

rung-bac-giang-1681808297.jpg
Ảnh minh họa.

Rừng tự nhiên ở Bắc Giang có vai trò và giá trị rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, không chỉ có giá trị cao về môi trường, sinh thái, phòng, chống xói mòn, rửa trôi đất, ngăn lũ ống, lũ quét, phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ vùng hạ du đồng bằng Bắc Bộ mà còn là hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam; với những cánh rừng nguyên sinh, nơi có hệ sinh thái phong phú, đa dạng từ đó có điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch “xanh”, nhất là rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, huyện Lục Nam.

Được biết, với giải pháp cũ trước đây việc sử dụng biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng thủ công thường bị chậm, không đảm bảo tính kịp thời, chính xác thông tin cấp dự báo cháy rừng dẫn đến không cảnh báo được độ chính xác nguy cơ cháy rừng xuống địa phương, chủ rừng để chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tổ chức chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

Từ khi sử dụng biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động công tác quản lý và bảo vệ rừng đã trở nên dễ dàng, chính xác hơn, không mất thời gian, tốn nhân lực như biển báo thủ công trước đây, đáp ứng yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng dự báo cháy rừng, đảm bảo tính chính xác, kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó, cảnh báo nguy cơ cháy rừng xuống địa phương, chủ rừng để chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tổ chức chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

Các thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh gồm, máy định vị toàn cầu (GPS), máy tính bảng, điện thoại thông minh, flycam, hệ thống máy chủ … vào công tác quản lý rừng, được đánh giá là giải pháp mới, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, tiết kiệm thời gian, kinh phí, cũng như dễ sử dụng hơn so với việc sử dụng bản đồ giấy, biểu mẫu trên giấy in truyền thống. Qua đó, khi có cháy rừng, phá rừng trái pháp luật,… lực lượng Kiểm lâm nhanh chóng xác định chính xác tọa độ, vị trí để xử lý kịp thời những tác động xấu sâm hại đến tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cho biết, khi chưa có thiết bị flycam, xảy ra cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm chủ yếu xác định vị trí cháy thông qua hướng khói và phải mất rất nhiều thời gian để xác định vị trí cháy, rồi tìm cách di chuyển, tiếp cận đến đám cháy rừng. Tuy nhiên, từ khi sử dụng flycam, khi có cháy rừng, chúng tôi đã nhanh chóng xác định được chính xác vị trí cháy. Đặc biệt, đối với các khu rừng có địa hình khó khăn như cao, dốc, khe suối,… Nếu phát hiện các điểm cháy rừng, chúng tôi sẽ cho flycam bay thấp xuống và chụp ảnh, sau đó phân tích hình ảnh, xác định chính xác vị trí đám cháy, rồi có phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện tiếp cận nhanh tới đám cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn.

Hiện, Kiểm lâm Bắc Giang đang sử dụng các phần mềm chuyên ngành cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Thiết bị bay quan sát, ghi hình; biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động; tích hợp bản đồ hiện trạng rừng vào smartphone và máy tính bảng phục vụ quản lý rừng, theo dõi diễn biến rừng; phần mền Mapinfor; phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã;…

Có thể thấy, từ khi ứng dụng công nghệ thông minh vào công tác bảo vệ rừng đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng. Qua đó, ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng, nhất là các vụ cháy rừng, phá rừng trái pháp luật.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác bảo vệ rừng sẽ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm theo đúng chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ./.

Ánh Dương (t/h)