Theo thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh ước đạt trên 201.600 tấn, tăng trên 21.600 tấn so với kế hoạch. Giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng, tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022; doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.
Ghi nhận cho thấy, vải thiều của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh ước đạt khoảng gần 111.200 tấn, chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt gần 90.500 tấn, chiếm khoảng gần 44,9 %.
Được biết, sản lượng xuất khẩu vải thiều chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, với tỷ trọng trong cơ cấu thị trường xuất khẩu chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á…
Có thể thấy, các thị trường xuất khẩu tiếp tục được giữ vững ổn định (với trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ); thị trường truyền thống Trung Quốc tiếp tục được giữ vững, đóng vai trò trụ cột và tạo động lực lan tỏa xuất khẩu sang các thị trường khác.
Theo các thương lái, doanh thu vải thiều năm nay tăng hơn so với năm ngoái, nhất là vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do dịch Covid - 19 được kiểm soát, nhiều thương nhân Trung Quốc đã sang tận vùng sản xuất, phối hợp với thương lái trong nước để đặt hàng để thu mua nông sản.
Năm nay, cũng là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép, trung bình mỗi ngày có thể vận chuyển 300 tấn vải từ ga Kép sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, sản lượng vải xuất khẩu năm nay sẽ cao hơn 2 năm vừa qua, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng 98.000 tấn niên vụ vải năm nay. Vận chuyển bằng đường sắt giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, nhờ đó chất lượng và giá trị vải thiều được đảm bảo hơn.
Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang) cho hay, năm 2023, mở ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường cũng như đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu rau củ quả sang thị trường các nước. Xác định được tầm quan trọng như vậy nên công tác xúc tiến thương mại luôn luôn được đặt ra 2 vấn đề. Đối với thị trường truyền thống làm thế nào để duy trì và phát triển, đồng thời bằng nhiều giải pháp và phương thức để mở rộng thêm các thị trường mới.
Việc chuẩn hóa từ khâu sản xuất chất lượng đến tiêu thụ vải thiều gắn với các hoạt động quảng bá thương hiệu thông qua những cách làm mới về đa dạng hóa thị trường, phát triển du lịch nông nghiệp giúp Bắc Giang tiếp tục có vụ vải “được mùa, được giá”. Đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương có vùng trồng rau quả lớn tham khảo.