Bắc Giang sẽ sáp nhập 6 cụm công nghiệp vào khu công nghiệp

Mới đây, tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ sáp nhập 6 cụm công nghiệp (CCN) vào các khu công nghiệp (KCN) nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Bắc Giang được hưởng các chính sách ưu đãi, đồng thời giúp quản lý hoạt động sản xuất hiệu quả. Dự kiến, từ nay đến năm 2025 hoàn thành sáp nhập 2 CCN vào các KCN.

Theo Nghị quyết số 147 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ sáp nhập 6 CCN vào các KCN.

Cụ thể, bao gồm các CCN: Tân Hưng (Lạng Giang), diện tích 49,7 ha; Tăng Tiến (Việt Yên), diện tích 37 ha; Nội Hoàng (Yên Dũng), diện tích 37,5 ha; Cầu Gồ (Yên Thế), diện tích hơn 4 ha; Trại Ba (Lục Ngạn), diện tích 8,6 ha; Đức Thắng (Hiệp Hòa), diện tích gần 3ha.

bgiang-1668054065.jpg
tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ sáp nhập 6 cụm công nghiệp (CCN) vào các khu công nghiệp (KCN). Từ nay đến năm 2025 hoàn thành sáp nhập 2 CCN vào các KCN. (Ảnh: vov)

Theo ghi nhận, CCN Nội Hoàng và Đức Thắng đã cơ bản lấp đầy; CCN Cầu Gồ đã có 2 DN đầu tư; CCN Tăng Tiến, Tân Hưng cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng nhưng chưa có nhà đầu tư thứ cấp; riêng CCN Trại Ba (chủ đầu tư là UBND huyện Lục Ngạn) đến nay vẫn chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng.

Được biết, việc sáp nhập CCN vào KCN sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt quản lý nhà nước và thu hút các DN thứ cấp vào đầu tư tại Bắc Giang. Bởi hiện quyền quản lý nhà nước các CCN đang thuộc về Sở Công Thương còn các KCN do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý. Thêm nữa, so với CCN, các DN đầu tư vào KCN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn về tiền thuê đất và các loại thuế.

Cụ thể, các DN đầu tư mới (sau khi sáp nhập CCN vào KCN) sẽ được miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới và thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi). Đối với DN đầu tư vào KCN, pháp luật còn cho phép thành lập DN chế xuất (được ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu). Do đó, các DN, nhất là DN lớn luôn muốn đầu tư vào các KCN.

Thực tế cho thấy, dù có nhiều ưu điểm song việc sáp nhập CCN vào KCN cũng nảy sinh một số vấn đề như: Đấu nối hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, quan hệ hợp tác và san sẻ lợi ích giữa các chủ đầu tư hạ tầng KCN và CCN sau khi sáp nhập…

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, việc mở rộng KCN sang CCN là hoàn toàn hợp pháp. Việc sáp nhập các CCN vào KCN là chủ trương đúng, mang lại lợi ích cho cả DN đầu tư và tỉnh Bắc Giang. Do vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn giúp các chủ đầu tư CCN và KCN trên địa bàn tỉnh thực hiện việc sáp nhập, kịp thời đón bắt cơ hội đầu tư để phát triển KT-XH địa phương.

Hoàng Hà (t/h)