Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp

Từ đầu năm 2024 đến nay, kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, 6 tháng đầu năm ước đạt 14,11%, đứng đầu cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng các doanh nghiệp tại Bắc Giang.
1702538976505-img-5642-1717989452.jpg
Bắc Giang tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Mới đây, hội nghị "Gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang" được tổ chức. Đây là diễn đàn, cầu nối để các doanh nghiệp đưa ra những đề xuất, kiến nghị để cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Giang từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng ước đạt trên 26.000 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 5 tháng ước đạt trên 27.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 19,05 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nội địa ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 16%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 2.310 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả tích cực, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được trên 1,1 tỷ USD, tăng 7,6% cùng kỳ năm 2023, thành lập hơn 700 doanh nghiệp với vốn đăng ký trên 4.300 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Mặc dù trong sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về đơn đặt hàng sản xuất. Thị trường bất động sản trầm lắng, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn cùng kỳ, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng. Việc thực hiện các thủ tục có liên quan của một số doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian...

Các doanh nghiệp đưa ra kiến nghị các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp; công tác cắt giảm thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Hay các khó khăn trong cấp giấy phép xây dựng, phương án nghiệm thu công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phương án nghiệm thu công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng; vấn đề vay vốn của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại và một số lĩnh vực khác.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định mới mà tỉnh Bắc Giang chưa theo kịp, cập nhật nên đã gây ra những bất cập, chồng chéo trong triển khai các dự án giữa các cấp. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức có thái độ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý, triển khai dự án cho các doanh nghiệp...

1717552833077-toan-canh-1717989559.png
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: bacgiang.gov.vn

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo cơ hội cho đầu tư phát triển các doanh nghiệp. Với lợi thế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về giao thông. Môi trường đầu tư được đánh giá tốt; chỉ số PCI liên tục tăng trong những năm gần đây; thu hút đầu tư FDI trên đà tăng trưởng; nguồn lao động dồi dào; tạo sức mua cho nền kinh tế, là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bắc Giang đang thành lập thêm và mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung triển khai sắp xếp đơn vị hành chính các cấp; đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo không gian phát triển mới, tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực dịch vụ.

Cùng với đó, Bắc Giang thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến theo định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị đối với công tác cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định như: Triển khai có hiệu quả các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ liên kết nhằm kết nối đơn vị sản xuất với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh...

Bên cạnh việc phát huy thế mạnh sẵn có, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cần có trách nhiệm xem xét giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời khẩn trương rà soát lại các chủ trương, quy định của tỉnh Bắc Giang không còn phù hợp với thực tế hiện nay; sớm nghiên cứu những bất cập để tháo gỡ và đồng bộ với những quy định mới của Trung ương....

Vai trò của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, các cấp lãnh đạo, sở, ban, ngành tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp luôn chung tay, đồng hành cùng chính quyền địa phương vì sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương./.

Trần Quỳnh