Cụ thể, Đức đã cam kết chi 50 triệu euro (56 triệu USD) và Australia cam kết chi 50 triệu AUD (36 triệu USD) cho các dự án trên. Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor cho biết theo một nghiên cứu gần đây Australia có tiềm năng cung cấp hydro để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại Đức. Dự kiến, hai bên sẽ bắt đầu đấu thầu các dự án hydro chung, còn được gọi là HyGate, trong quý I/2022.
Trong một tuyên bố, Tim Wilson, một quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp Australia cho biết nước này có thể dựa vào công nghệ hydro của Đức để nâng giá trị cho ngành công nghiệp nội địa và giảm chi phí trong chuỗi cung ứng hydro. Hiện nay, Chính phủ Australia đang đặt cược vào năng lượng hydro để giúp nước này hoàn thành mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.
Hồi tháng Mười, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố kế hoạch chống biến đổi khí hậu mới với mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Động thái này đánh dấu Australia chính thức đưa ra cam kết cụ thể về lộ trình đưa phát thải ròng về 0 sau nhiều lần trì hoãn.
Theo đó, Chính phủ Australia sẽ đầu tư hơn 20 tỷ AUD (14 tỷ USD) vào "các công nghệ phát thải thấp" vào năm 2030 để góp phần thực hiện kế hoạch trên. Các công nghệ này bao gồm hấp thụ carbon trong đất, thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), sản xuất thép phát thải thấp và các cách thức khác để giảm sử dụng năng lượng.
Kế hoạch của Canberra cũng bao gồm việc sử dụng "hydro sạch" để giảm lượng khí thải nhiên liệu và "ưu tiên mới" cho việc cung cấp điện "năng lượng Mặt Trời” với mức giá rất thấp là dưới 15 AUD (10,5 USD)/MWh./.