2 kiến nghị dự án cầu “Trần Hưng Đạo” Hà Nội

Dự án đầu tư cầu “Trần Hưng Đạo”, Hà Nội; với mức vốn khoảng 9000 tỷ đồng; đang được PMU Giao thông Hà Nội tổ chức trưng bày các phương án thiết kế kiến trúc… để lấy ý kiến Nhân Dân tham gia “đóng góp” trong tháng 3/2022, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về vị trí cầu “Trần Hưng Đạo” ở khoảng giữa 2 cầu: Chương Dương và Thanh Trì. Cầu vượt qua sông Hồng, phía bờ Nam sẽ kết nối với đường Trần Hưng Đạo (đoạn thuộc quận Hoàn Kiếm). Phía bờ Bắc sẽ kết nối với đường Nguyễn Văn Linh (đoạn quốc lộ 5A, thuộc quận Long Biên), là hoàn toàn thích hợp.

Tuy nhiên, tôi có 2 kiến nghị PMU (Ban quản lý dự án) Giao thông Hà Nội và Chủ tịch UBND thành phố (Hà Nội) về dự án cầu “Trần Hưng Đạo”:

Thứ nhất, cầu “Trần Hưng Đạo” tương lai không xa, khi thi công, xây dựng hoàn thành, sẽ là một trong những công trình cơ sở hạ tầng, bất động sản rất lớn “cỡ bự”, vĩnh cửu, đồ sộ và nổi tiếng thủ đô Hà Nội, nước Việt Nam văn minh, hiện đại của chúng ta.

dsc-1385-1647956781.JPG
Cầu Chương Dương (thuộc loại cầu Thép), vượt sông Hồng (ở Hà Nội); có kết cấu thép “biên trên thẳng”

Thế nên, trước tiên theo chuyên ngành Cầu Đường chúng ta phải xác định cầu “Trần Hưng Đạo” là cầu vĩnh cửu. Mà đã là cầu vĩnh cửu thì phải có kết cấu vĩnh cửu. Kết cấu vĩnh cửu tối ưu và kinh tế nhất, đến Thế kỷ XXI này, vẫn là kết cấu Bê tông cốt thép dự ứng lực (hay còn gọi là kết cấu Bê tông cốt thép ứng suất trước); chứ không phải là kết cấu vòm thép, hay kết cấu thép “biên trên đa giác” như cầu Long Biên, hay kết cấu thép “biên trên thẳng” như cầu Chương Dương…

Như vậy phân loại cầu theo kết cấu; tôi cho rằng: sẽ không phải là cầu Thép như Long Biên, Chương Dương; mà cầu “Trần Hưng Đạo” sẽ là “cầu Bê tông cốt thép dự ứng lực”. Còn lại phần lan can cầu, phần trang điểm, kiến trúc 2 bên thành cầu, hoặc cổng cầu (nếu có cần thiết)… chỉ mang tính chất cấu tạo, không mang tính chất chịu lực của cầu.

Do đó, thời gian vừa qua, cơ quan Thông tin đại chúng nêu thuyết minh phương án thiết kế cầu “Trần Hưng Đạo” là cầu Vòm thép có kiến trúc Vòng Nhẫn vô cực, biểu tượng bất tận về không gian, thời gian phát triển ổn định của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung… là cần xem xét lại.

Cụ thể, phân loại cầu “Trần Hưng Đạo” là cầu vĩnh cửu Bê tông cốt thép dự ứng lực, mới thông tuệ; hay là cầu Vòm thép, sẽ “ooc-giơ” với tính tối ưu và tính kinh tế nhất, nêu ở phần trên? Kể cả Kiến trúc (vòm thép) chỉ mang tính chất cấu tạo, cách điệu Nhẫn vô cực chăng nữa; nhưng thực ra trông vẫn có nét giống như các hình sin, hay các hình parabol… “ngoằn ngèo, lúc lên đỉnh, lúc lại xuống đáy” thì làm sao có thể là biểu tượng cho sự phát triển ổn định, bền vững… của Hà Nội được?

thep-co-the-lam-cau-tran-hung-dao-di-vao-lich-su-1647957235.jpeg

Thiết kế Kiến trúc cầu “Trần Hưng Đạo”

Đã thế, ở phần trụ cầu lại thiết kế kiến trúc cả các đài Vọng cảnh, để phục vụ người Dân đến tham quan, ngắm cảnh… Khiến dư luận Nhân dân buồn cười và nói vui rằng, đài Vọng cảnh đâu chưa thấy, nhưng sẽ thấy Đài này không loại trừ, sẽ tạo điều kiện, tiếp tay cho số người tiêu cực đến tiếp cận, làm quen với “chảy đi sông ơi”, trước khi tự tử từ trên thành cầu, nhảy xuống sông Hồng.

Vì vậy tôi cho rằng, không cần thiết những vòm thép có kiến trúc Vòng nhẫn vô cực ở 2 bên thành cầu. Và loại bỏ Kiến trúc các đài Vọng cảnh tại các trụ cầu.

Thứ hai, không cứ phía bờ Nam cầu kết nối với đường Trần Hưng Đạo, để đặt tên là cầu “Trần Hưng Đạo”, tên 1 Danh Tướng nước ta thời kỳ Lịch sử chống ngoại xâm Nguyên - Mông. Mà rất nên đặt tên cầu này là cầu Đông Đô. Điều này đồng nghĩa với, rất nên đổi tên cầu “Trần Hưng Đạo” là cầu Đông Đô; sẽ nâng cao tầm cỡ cây cầu hơn lên. Tương xứng với “Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”; như lời bài hát “Người Hà Nội”, tuyệt vời của Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi.

Ngoài ra, 2 bên thành cầu (phía ngoài lan can) có thể kiến trúc cấu tạo, lắp đặt cố định các chữ lớn (chạy dọc 2 bên thành cầu) không cần dấu: ĐONG ĐO, để thay vì các Vòng nhẫn vô cực nêu trên sẽ hay hơn./.

Nguyễn Thành Lập KS Cầu đường