Thông tin được lãnh đạo tập đoàn VinaCapital chia sẻ tại buổi họp báo công bố sự kiện Hội nghị Nhà đầu tư 2023 do tập đoàn này tổ chức sáng 3/10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Don Lam, cổ đông sáng lập, CEO VinaCapital cho biết, hội nghị nhà đầu tư năm nay có sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư nước ngoài, con số đông nhất kể từ khi hội nghị đầu tiên được diễn ra vào năm 2005.
“Hội nghị năm nay có nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu, nhiều nhất là nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt có hai nhà đầu tư lớn gồm Khazanah của Malaysia và GIC của Singapore. Các nhà đầu tư tham gia hội nghị quản lý ít nhất 1.000 tỷ USD, chúng ta cố gắng kéo được 0,1% là 1 tỷ USD con số này đầu tư vào Việt Nam là điều đáng mừng”, ông Don Lam chia sẻ.
Lãnh đạo VinaCapital cho biết, các phiên thảo luận hội nghị năm nay có sự tham gia của loạt lãnh đạo doanh nghiệp như ông Paul DiGiacomo (BDA Partners), ông Chanitr Charnchainarong (Tập đoàn Central), ông Joseph Low (Keppel Land Việt Nam), ông Trần Hùng Huy (ACB), ông Vũ Thành Trung (MB), ông Phạm Đình Huy (Nam Long), ông Lê Trí Thông (PNJ), ông Trần Hồng Dương (Vincom Retail)…
“Sự hiện diện đông đảo của các nhà đầu tư cho thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết. Các nhà đầu tư hiện quan tâm tới các lĩnh vực thuộc năng lượng xanh, đầu tư công nghệ, chíp bán dẫn, y tế, công nghệ cao…”, đại diện VinaCapital cho biết.
"Nền kinh tế, bất động sản Việt Nam không giống Trung Quốc"
Đánh giá về việc Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư, VinaCapital cho rằng điều này ảnh hưởng vô cùng lớn, về dài hạn tạo niềm tin cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Intel hay Apple đã đầu tư vào Việt Nam sẽ đầu tư thêm…
Đề cập đến kinh tế vĩ mô, ông Andy Ho cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay 4,2-4,3%, dự báo tăng trưởng cả năm sẽ khoảng 4,5-5%. Khó khăn cho tăng trưởng năm nay do hàng tồn kho bên Mỹ cao nên họ hạn chế đặt hàng. Hiện số lượng tồn kho đã giảm, nhà phân phối bắt đầu đặt hàng sản xuất từ Việt Nam để xuất qua Mỹ, hy vọng 6 tháng cuối năm phục hồi sản xuất cho xuất khẩu, đặc biệt mùa Noel cuối năm.
Ông Andy Ho đề cập, Chính phủ Việt Nam đã ra các chính sách về trái phiếu, đẩy mạnh hạ tầng giúp kinh tế phục hồi. Từ nay tới cuối năm chúng ta cần lưu ý về khách du lịch, con số hiện mới trở lại khoảng 70% lượng khách trước COVID. Kỳ vọng tới 2024 khách du lịch phục hồi và tăng trưởng.
Năm 2024, chuyên gia VinaCapital dự báo tăng trưởng Việt Nam khoảng 6-7%. Là người tham dự cuộc họp của Thủ tướng với nhà đầu tư tại Mỹ vừa qua, chuyên gia VinaCapital chia sẻ với giới đầu tư về nền kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân 10 năm qua ở mức 6-7%. Kỳ vọng 2024 tăng trưởng tốt trở lại nhờ đặt hàng từ Mỹ, châu Âu tăng nhiều hơn. Điểm đáng lưu ý, trong thời điểm xuất khẩu giảm thì lượng xuất khẩu so với nhập khẩu vẫn cao hơn. Thặng dư thương mại 8 tháng đạt hơn 20 tỷ USD, điều này giúp bảo vệ tiền đồng.
Với bất động sản, ông Andy Ho cho biết nhận được nhiều câu hỏi của giới đầu tư ngoại, họ quan ngại liệu nền kinh tế chung và bất động sản nói riêng của Việt Nam có giống như Trung Quốc.
“Chúng tôi trả lời là Việt Nam không giống Trung Quốc. Thị phần bất động sản trong GDP của Việt Nam chỉ 8% trong khi Trung Quốc là 20%, con số cao và nhiều rủi ro. Cầu nhà ở Việt Nam cao trong khi cung còn thiếu, nhất là nhà ở dành cho người thu nhập trung bình và thấp. Còn Trung Quốc thì nhiều nhà ma, cung vượt cầu”, ông Andy Ho nói.
Định giá chứng khoán Việt "rẻ" nhất khu vực
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc khối đầu tư, VinaCapital chia sẻ nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau khi xuống đáy hồi tháng 11/2022, thị trường hồi phục và đạt mức tăng khoảng 15% tính từ đầu năm. Về định giá, bà Thu cho rằng thị trường Việt Nam lúc này được coi là ở mức hấp dẫn. Trong vòng 10 năm qua, thị trường Việt chỉ có 3 lần ở mức hấp dẫn như hiện nay, trước đó có hai lần vào năm 2015 khi xảy ra căng thẳng địa chính trị ở biển Đông và lần 2020 khi COVID xảy ra.
“So với thị trường trong khu vực, Việt Nam được coi định giá hấp dẫn. Định giá trong 2024 dùng dự phóng về lợi nhuận doanh nghiệp 2024 thì định giá thị trường Việt chỉ khoảng 9 lần, rẻ nhất khu vực”, bà Thu nói.
Chuyên gia này đánh giá, năm nay, dù một số ngành như IT (tiêu biểu có FPT tăng trưởng dự kiến 23%) hay ngân hàng dự báo tăng trưởng 12%, y tế tăng trưởng trên 20%, nhưng cũng chỉ bù đắp được lợi nhuận âm của các lĩnh vực khác. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận 2023 không có gì quá hấp dẫn.
“Chúng tôi cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp Việt đã tạo đáy vào quý IV/2022. Các ngành nghề đang phục hồi tốt, trong đó có tài chính và công nghệ, đang về mức lợi nhuận trước COVID. Kỳ vọng nửa năm sau tốt hơn nửa đầu 2023. Đáy lợi nhuận đã qua”, bà Thu nhận định.
Năm 2024, chuyên gia này dự báo là năm phục hồi rất tốt cho các ngành nghề, được kỳ vọng có lợi nhuận tích cực tăng trưởng từ 9-56%.
Các chủ đề đầu tư thời gian tới đáng chú ý, bà Thu cho rằng gồm chuyển đổi số, ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, sự phục hồi từ nhu cầu nội địa, xuất khẩu và dầu khí.
Đề cập tới các yếu tố rủi ro, chuyên gia này cho rằng đó là các yếu tố từ bên ngoài, nền kinh tế với sự chưa chắc chắn các yếu tố xấu đã qua, có thể khó khăn trên toàn cầu kéo dài lâu hơn dự báo, Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất cao dài hơn hay căng thẳng địa chính trị…
Trong nước, rủi ro đến từ đáo nợ trái phiếu doanh nghiệp, hiện chưa rõ ràng về khả năng trả nợ của doanh nghiệp, sự phục hồi bất động sản cần nhiều thời gian hơn, áp lực lạm phát và tỷ giá, giá dầu và lương thực, chính sách tiền tệ có thể thay đổi…