Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 1,22 tỷ USD
Những ngày cuối năm 2024, giá tiêu vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, ngày 30/12, giá tiêu trong nước tiếp tục ổn định và neo ở mức cao; so với phiên giao dịch trước, dao động từ 146.500-147.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tiêu thu mua ở các địa phương trung bình đạt mức 146.800 đồng/kg.
Trong đó, giá tiêu ở Gia Lai được thu mua ở mức 146.500 đồng/kg; tương tự giá tiêu ở tỉnh Bình Phước cũng được thu mua với giá 146.500 đồng/kg; giá tiêu các địa phương Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk được thu mua với giá cao hơn là 147.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 11, Việt Nam xuất khẩu được 15.948 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch đạt 106,5 triệu USD.
Lũy kế tháng 11 tháng 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 235.335 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 207.498 tấn, tiêu trắng đạt 27.837 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,22 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 3,5%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 46,9%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam đạt 67.802 tấn, tăng 41,1% và chiếm 28,8% tổng lượng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam. Tiếp theo là các thị trường: UAE tăng 42,7% chiếm 6,6%; Đức tăng 67,7% chiếm 6,0%.
Tiếp theo là các thị trường: UAE tăng 42,7% chiếm 6,6%; Đức tăng 67,7% chiếm 6,0%. Nhiều thị trường có tăng trưởng xuất khẩu với mức hai con số như Hà Lan (41,8%), Hàn Quốc (34,8%), Pakistan (34,5%), Canada (19,7%), Nga (15,5%), Anh (14%)…
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của hồ tiêu Việt Nam, nhưng thị trường này giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu về xuất khẩu hồ tiêu như Olam Việt Nam tăng 44,9%; Phúc Sinh tăng 49,4%; Nedspice Việt Nam tăng 7,9%; Haprosimex JSC tăng 70,6% và Trân Châu tăng 0,8%.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, do năm vừa qua sản lượng thấp khiến các doanh nghiệp đang phải tăng cường nhập khẩu hồ tiêu. Tiêu Brazil sau quãng thời gian cạnh tranh tốt vì giá rẻ, nay đã cao trở lại. Cộng với cước vận chuyển vẫn neo cao khiến Việt Nam đẩy mạnh mua hồ tiêu từ các nước trong khu vực.
Tính trong 11 tháng qua Việt Nam đã nhập khẩu 32.977 tấn hồ tiêu các loại, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Indonesia là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 14.123 tấn, chiếm 42,8% trong khi đó nhập khẩu từ Brazil giảm 39,9% đạt 9.203 tấn.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cho biết, tồn kho hồ tiêu Việt Nam hiện còn rất ít, còn vụ thu hoạch 2025 dự kiến trễ hơn thường lệ 1-2 tháng và sản lượng giảm do ảnh hưởng hạn hán. Trong khi đó, Indonesia vừa kết thúc vụ thu hoạch năm 2024, sản lượng còn dồi dào và giá liên tục hạ nhiệt nên doanh nghiệp tranh thủ mua vào. Ngoài Indonesia, Việt Nam cũng ưu tiên nhập khẩu từ các nước lân cận như Cambodia thay vì các nguồn ở xa như Brazil để tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Tầm nhìn trở thành nguồn cung cấp gia vị chất lượng cao, sản xuất bền vững
Dù triển vọng về giá đang có nhiều tích cực, song theo VPSA, ngành hồ tiêu và gia vị đang đối mặt với thách thức từ diễn biến thời tiết khó lường làm tăng chi phí đầu tư và phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều nông dân đang chuyển sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn như sầu riêng và cà phê, làm giảm diện tích trồng tiêu và ảnh hưởng đến tổng sản lượng.
Ngoài ra, tình hình bất ổn địa chính trị diễn ra tại một số khu vực ảnh hưởng đến việc giao thương xuất khẩu, dẫn tới giá cả biến động, gây khó khăn cho DN trong hoạt động xuất khẩu. Xuất khẩu tăng ở Hoa Kỳ và châu Âu nhưng giảm ở Trung Quốc và Trung Đông đã tác động đến giá thị trường nội địa có thời điểm diễn biến tăng giảm đột ngột. Các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiêu chuẩn môi trường tại các thị trường lớn đã tạo áp lực cho ngành trong việc điều chỉnh phương pháp canh tác và quy trình sản xuất.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ lo ngại về việc giá tăng sẽ kích thích nông dân đầu tư mạnh cho cây hồ tiêu. Điều này có thể đi kèm hệ lụy là sử dụng phân bón vô cơ quá nhiều dẫn tới mất cân đối, gây suy thoái đất khiến hồ tiêu chết hàng loạt như giai đoạn những năm trước. Bên cạnh đó là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, VPSA xác định tầm nhìn trở thành nguồn cung cấp gia vị chất lượng cao, được sản xuất bền vững, có hồ sơ truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, các định hướng được hiệp hội đưa ra gồm có tăng diện tích canh tác bền vững, giảm dư lượng thuốc trừ sâu, giảm khí thải carbon, giảm khí nhà kính, đào tạo nông dân chuyên sâu, tăng giá trị gia tăng, phát triển thị trường…
Hiện Việt Nam là 1 trong 3 nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn nhất thế giới với sản lượng chiếm hơn 11% thị phần xuất khẩu gia vị của thế giới. Theo thống kê, hiện có 35 nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP, BRC, ESA, ASTA… với công suất chế biến khoảng 140 nghìn tấn/năm.
Trong đó có nhiều nhà máy sử dụng công nghệ chế biến tiêu tiệt trùng hơi nước đã giúp hồ tiêu Việt Nam, đặc biệt là các loại tiêu có giá trị gia tăng cao như tiêu đen xay, tiêu trắng xay, tiêu ngâm giấm, tiêu sấy lạnh ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu hồ tiêu./.