Đổi mới phương thức sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hồ tiêu và gia vị

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, tuy nhiên, mặt hàng này vẫn chưa phát huy được “nguồn lực” vốn có. Với định hướng phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được chọn lựa đầu tiên trong chuỗi cung cấp gia vị toàn cầu, sản xuất hồ tiêu và gia vị ở nước ta cần tập trung vào chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, thị trường, sản phẩm trong cơ cấu sản phẩm hồ tiêu và gia vị.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 40.814 tấn hồ tiêu với kim ngạch 128,6 triệu USD, tăng 33% (10.138 tấn) về lượng nhưng giảm 9% tương đương 12,7 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng hồ tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái. 

Theo đó, thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam theo đó đã tăng lên mức 25% so với khoảng 4% của cùng kỳ năm 2022. Tính riêng trong tháng 2, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất và chiếm 30,1% thị phần xuất khẩu.

“Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid”, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 20.498 tấn, giảm 46,4% so với năm 2012. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới kể từ đầu năm nay sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch đã giúp cho các hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này khởi sắc trở lại”, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản phân tích.

Cùng với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước khu vực châu Âu cũng là những thị trường lớn trong xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam Thị trường châu Âu chủ yếu nhập tiêu đen, đến 90% tiêu đen nguyên hạt, 10% còn lại là tiêu xay. Châu Âu và Hoa Kỳ là những nhà nhập khẩu hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu toàn cầu.

4527-hat-tieu-1679500209.jpg

Nông dân đang thu hoạch hồ tiêu. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) Hoàng Thị Liên cho rằng, ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam đang dần tạo được chỗ đứng trong chuỗi giá trị thế giới, nhất là vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. 

Tuy nhiên, ngành hồ tiêu vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các thị trường, đặc biệt là thị trường EU. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại châu Âu rất lớn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mới tập trung vào một số thị trường chính như Đức, Anh, Hà Lan… còn nhiều nước khác vẫn đang bỏ ngỏ, nhất là khu vực Đông Âu.

Ngành hồ tiêu và gia vị đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 - 500.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, ngành hồ tiêu cần nâng cao chất lượng và khai thác tốt nguồn lực từ các thị trường, phát huy lợi thế từ nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố trồng tiêu đổi mới phương thức sản xuất, đưa các giống tiêu chất lượng vào trồng, quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể cho xuất khẩu. Từ điều kiện này Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm hồ tiêu và gia vị.  Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, canh tác bền vững tại các vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị hồ tiêu và gia vị Việt Nam bền vững.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp Bộ Công Thương, Tham tán tại các nước để nắm bắt, kết nối thị trường cho ngành hàng hồ tiêu và gia vị, đặc biệt là khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới để mở rộng thị trường, tạo sức bật cho ngành hàng hồ tiêu và gia vị./.

Thi Nguyên (t/h)