Giá hồ tiêu tăng cao kỷ lục vì sao nông dân vẫn chưa vơi 'nỗi sầu'

Thời gian qua, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng cao và chạm mức 95.000 đồng/kg đây là kỷ lục sau nhiều năm. Tuy nhiên tại 'thủ phủ' hồ tiêu Bình Phước người dân lại kém vui vì sản lượng tiêu thấp, chưa kể vườn tiêu già cỗi còn đối mặt với khô hạn.
ho-tieu-binh-phuoc-01-1712291858.jpg
Giá tiêu tăng trở lại là động lực để người trồng hồ tiêu tái cơ cấu vườn, tăng năng suất mùa vụ. (Ảnh minh họa)

Giá tiêu cao kỷ lục, nông dân vẫn thiếu vốn chăm vườn tiêu

Giá hồ tiêu tại thị trường trong nước đã liên tục tăng cao, hiện đạt mức 95.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua, mang lại niềm vui cho người trồng tiêu ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, tại Bình Phước được ví là "thủ phủ" hồ tiêu của Việt Nam, người dân lại không có nhiều niềm vui khi giá tiêu tăng cao.

Theo người dân ở tỉnh Bình Phước, năm nay mặc dù giá tiêu tăng so với các năm trước nhưng sản lượng không cao. Nguyên nhân do có một thời gian giá tiêu xuống thấp, bà con nông dân không có chi phí chăm sóc và ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài nên cây tiêu già cỗi, khô, chết, sâu bệnh.

Cũng vì lẽ đó, năm nay giá cao nhưng sản lượng thu được tại các vườn tiêu của bà con nông dân giảm sút, hiện nhiều vườn tiêu của nông dân chỉ cho năng suất tầm 1 - 2 tấn hạt/ha.

ho-tieu-binh-phuoc-03-1712291836.jpg
Giá tiêu tăng cao nhưng nhiều nông dân kém vui vì năng suất kém. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Đăng Nhuệ - hộ dân trồng tiêu ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp chia sẻ, đối với cây tiêu càng già cỗi, mất sức lại càng ít trái nên năm nay thấy giá tăng người trồng vừa mừng, vừa tiếc vì thu hoạch không nhiều.

“Những loại cây ăn trái và các cây trồng khác, dù không chăm sóc cũng ít bị ảnh hưởng đến năng suất. Còn đối với cây tiêu phải chăm sóc phân bón, thuốc thang, phân tro đầy đủ. Nếu không chăm sóc đầy đủ, cây tiêu sẽ yếu, sau 1 năm sẽ hư và chết”, ông Nhuệ chia sẻ.

Nhiều hộ dân khác cho rằng, với giá hơn 95.000 đồng/kg tiêu chỉ đủ tiền phân bón và thuốc chứ chưa có tiền công chăm sóc. Bà con hy vọng giá tiêu năm nay có thể lên từ 120-150.000 đồng/kg để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, yên tâm giữ vườn.

Bà Hà Thị Lợi, một hộ dân với hơn 20 năm trồng tiêu ở Bình Phước cho biết, tiêu là cây nông sản chính của người dân Bình Phước nhưng giá thấp quá khiến bà con khó khăn. “Giá bán hồ tiêu hiện nay chỉ tạm đủ trang trải, hy vọng thời gian tới giá hồ tiêu nó sẽ tiếp tục tăng để để bà con đỡ gặp khó khăn vì nay giá phân, giá tro đều đã tăng”, bà Lợi bày tỏ.

Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình tái canh hồ tiêu

Huyện biên giới Lộc Ninh được mệnh danh là "thủ phủ" của hồ tiêu Bình Phước, với tổng diện tích đạt khoảng 5.200 ha, năng suất đạt hơn 18 tạ/ha, sản lượng khoảng 9.400 tấn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hồ Quang Khánh cho biết: Năm 2013, huyện đã thành lập các câu lạc bộ trồng tiêu sạch trên địa bàn. Quá trình triển khai các mô hình trồng hồ tiêu sạch với sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan và Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Bình Phước, nông dân trồng hồ tiêu ở huyện Lộc Ninh đã quyết tâm chuyển đổi phương thức canh tác.

Từ trồng tự phát theo hướng truyền thống, nông dân dần chuyển sang ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để đưa hồ tiêu Lộc Ninh vươn xa trên thị trường. Qua mười năm phát triển mô hình, đến năm 2024, trên địa bàn huyện đã thành lập 24 câu lạc bộ với 604 hộ nông dân tham gia. Tổng diện tích sản xuất hồ tiêu của các câu lạc bộ là 645 ha. Tổng sản lượng hạt tiêu khô, tiêu sạch đăng ký cung ứng hằng năm cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Bình Phước khoảng 1.176 tấn.

Gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh đã phối hợp các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn thành lập được tám hợp tác xã sản xuất tiêu, với tổng diện tích hơn 250 ha. Mặc dù, các hợp tác xã này mới thành lập nhưng bước đầu hoạt động khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản, bảo đảm nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, do nhiều năm giá xuống thấp nên nhà nông bỏ bê vườn hồ tiêu. Mặt khác, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nên người dân không có điều kiện chăm sóc. Nhiều vườn tiêu hơn 600 trụ nhưng sản lượng chỉ đạt hơn 100 kg; thậm chí, rất nhiều chủ vườn bỏ hoang dẫn đến vườn tiêu ngày một già cỗi và chết dần. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bù Đốp, thời kỳ cao điểm huyện có đến hơn 4.000 ha hồ tiêu; tuy nhiên, hiện toàn huyện chỉ còn gần 3.000 ha hồ tiêu.

ho-tieu-binh-phuoc-02-1712291944.jpg
Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 12.952ha tiêu, diện tích đang cho thu hoạch 12.252ha. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết: Không chỉ cây tiêu mà với tất cả cây trồng khác, yếu tố giá cả thị trường tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện giảm mạnh trong thời gian qua.

Giá tiêu tăng trở lại là động lực để người trồng hồ tiêu tái cơ cấu vườn, tăng năng suất mùa vụ. Gia đình chị Hà Thị Lơi ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp trước đây có gần hai héc-ta hồ tiêu. Do một thời gian dài giá tiêu thấp, không chăm sóc vườn nên tiêu già cỗi và chết một nửa diện tích. Năm nay tiêu được mùa, được giá nên chị có kinh phí để đầu tư trồng lại diện tích đã chết; đồng thời, chăm bón thêm phần tiêu còn lại với hy vọng gặt hái được kết quả tốt trong mùa vụ tới.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 12.952ha tiêu, diện tích đang cho thu hoạch 12.252ha. Diện tích tiêu ở Bình Phước giảm mạnh so với 17.199ha vào năm 2019. Diện tích giảm để chuyển sang trồng sầu riêng, cây ăn trái. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, việc giá tiêu tăng đang là động lực để người dân sẽ quay lại với loại cây được mệnh danh là "vàng đen" một thời.

Tuy nhiên, để tránh việc người dân trồng ồ ạt, thiếu kỹ thuật có thể dẫn đến tình trạng sản phẩm hồ tiêu có chất lượng thấp, khó cạnh tranh trên thị trường, hiện nay, Bình Phước đang tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về thị trường tiêu, những rủi ro tiềm ẩn khi ồ ạt trồng tiêu. Địa phương cũng có quy hoạch rõ ràng về diện tích trồng tiêu, hướng dẫn người dân trồng tiêu theo hướng khoa học, bền vững. Đồng thời, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng tiêu, phòng trừ dịch bệnh, sâu bệnh./.

Bình Nguyên