6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác đều tăng trừ xuất khẩu nhuyễn thể khác giảm. Xuất khẩu cá ngừ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 56% đạt hơn 553 triệu USD.
Xuất khẩu hải sản của Việt Nam bao gồm các nhóm sản phẩm: cá biển khác, chiếm 47,1% tổng giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam); cá ngừ (chiếm 27,2%); mực, bạch tuộc (16,9%); cua, ghẹ và giáp xác khác (5,1%); nhuyễn thể hai mảnh vỏ (3,6%) và còn lại là nhuyễn thể khác.
Xuất khẩu cua ghẹ, giáp xác khác và mực, bạch tuộc tăng lần lượt 45% và 29%. Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 21%, xuất khẩu cá biển khác tăng 12%. Duy nhất xuất khẩu nhuyễn thể khác giảm 29% tuy nhiên sản phẩm này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Chế biến xuất khẩu hải sản khai thác tập trung nhiều nhất tại các tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang…
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác trong tháng 6 năm nay tuy vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định so với các tháng trước đó.
Tình hình chiến sự Nga chưa đến hồi kết, vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có khai thác thuỷ sản, khiến nguyên liệu khan hiếm vì chi phí khai thác cao. Doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu.
Ngày 28/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch.
Đây là tin vui cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản, phần nào giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện tại.