Xuất khẩu gạo kéo dài đà tăng trưởng

Với sản lượng dồi dào và chất lượng sản phẩm cũng không ngừng tăng lên, ngành nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng có vai trò quan trọng trong việc đóng góp hiệu quả hơn nữa cho mục tiêu chung của toàn cầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với trị giá gần 3,5 tỷ USD. Đây là điểm sáng của ngành xuất khẩu gạo của cả nước khi tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2023. Đơn cử, tính hết tháng 4/2023, Việt Nam ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 573,9 triệu USD.

anh-t4820230513150137-1683978956.png
Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đều ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Ông Đào Thế Anh, Viện phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, để xuất khẩu ngành gạo tiếp tục duy trì ở mức cao, giúp các doanh nghiệp cũng như người nông dân được hưởng lợi, cần chú trọng các yếu tố như sức khỏe của đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt, đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay thì thâm canh nông nghiệp cũng phải thay đổi, khoa học, hợp lý.

Có thể thấy, với sản lượng dồi dào và chất lượng sản phẩm cũng không ngừng tăng lên, ngành nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng có vai trò quan trọng trong việc đóng góp hiệu quả hơn nữa cho mục tiêu chung của toàn cầu. Hiện, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện các bước sau cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Theo dự thảo đề án, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000ha; tỉ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của vùng chuyên canh.

Lũy kế từ đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng gần 41% về lượng và 52% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng về số lượng, theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức cao trong những năm qua và cơ cấu loại gạo xuất khẩu cũng chuyển biến tích cực.

Để duy trì mức tăng trên, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần duy trì ổn định chất lượng gạo, theo sát yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của từng thị trường, tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao để tăng giá trị cho các lô gạo xuất khẩu./.