Xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm trong tháng 5

Trong tháng 5/2023, xuất khẩu của Trung Quốc đã thu hẹp nhiều hơn so với dự báo, do nhu cầu hàng hoá nước này trên toàn cầu giảm. Dữ liệu được công bố trong lúc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gặp khó khăn trong việc phục hồi đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Tờ Bloomberg cho hay, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên vào tháng 5, sau 2 tháng tăng liên tiếp, làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Theo dữ liệu từ cơ quan Hải quan, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 284 tỷ USD. Con số này xấu hơn so với dự báo trung bình về mức giảm 1,8%.

Nhập khẩu giảm 4,5% xuống còn 218 tỷ USD, tốt hơn so với mức giảm dự kiến là 8%, điều này khiến cho thặng dư thương mại của Trung Quốc ở mức 65,81 tỉ USD, giảm 16,1% và thấp hơn những con số dự báo.

Ông Hao Hong, nhà kinh tế trưởng tại Grow Investment Group cho biết, số liệu xuất khẩu mới được công bố có thể  cho thấy xu hướng giảm trong dài hạn. Trung Quốc "sẽ không thể phụ thuộc vào thương mại để thúc đẩy nền kinh tế trong "6 tháng nữa", đồng thời lưu ý đến lực cản từ nhu cầu yếu của Mỹ, nơi lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao.

anh-bai-10-1686205816.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, theo tờ Thời báo Phố Wall, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ như các hãng chip Qualcomm và Microchip, hay các tập đoàn công nghiệp Caterpillar và DuPont đã báo cáo kết quả kinh doanh tương đối yếu tại thị trường Trung Quốc trong giai đoạn đầu năm, bất chấp những kỳ vọng lớn ban đầu. "Kỳ vọng chung của nhiều doanh nghiệp là sau quá trình tái mở cửa, thị trường Trung Quốc sẽ dần phục hồi và thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên cho đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy những tín hiệu như vậy", ông Christian Amon, Giám đốc điều hành Tập đoàn Qualcomm cho biết.

Nhu cầu yếu với ngành sản xuất, biến động lĩnh vực bất động sản, chính sách cắt giảm trợ cấp ô tô điện hay sức chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn dưới kỳ vọng được xem là những thách thức chính với các doanh nghiệp quốc tế tại thị trường tỷ dân hiện nay. Nhiều ngân hàng và tổ chức toàn cầu cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, sau những số liệu kinh tế kém lạc quan.

Thương mại đóng vai trò huyết mạch đối với nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch, nhưng lại sụt giảm trong những tháng gần đây khi nhu cầu hàng hoá xuất khẩu toàn cầu giảm. Ngành sản xuất cũng sụt giảm so với ngành dịch vụ, tính từ thời điểm các lệnh phong toả COVID được gỡ bỏ trong năm ngoái.

Hàng loạt chỉ số kinh tế trong những tuần gần đây đã cho thấy đà phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc đang bắt đầu chậm lại, trong đó sản lượng công nghiệp và lợi nhuận, hoạt động sản xuất và tăng trưởng tín dụng đều giảm.

Thi Nguyên (t/h)