UNESCO xét duyệt hồ sơ Xòe Thái qua phiên họp online

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương cùng đại diện 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái vừa họp xét hồ sơ Xòe Thái trình UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại điểm cầu Bộ VH-TT-DL.

Theo dự kiến, tại kỳ họp 16, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét Hồ sơ nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện vào chiều 15.12. Năm nay, kỳ họp diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng đại diện 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái dự họp tại điểm cầu Bộ VH-TT-DL.

Theo hồ sơ gửi UNESCO, xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Hồ sơ viết: “Trong các dịp lễ hội, các thành viên gia đình, cộng đồng, mỗi người một việc, cùng nhau tham gia chuẩn bị đồ cúng, tổ chức các hoạt động tế lễ, trò chơi dân gian, và cùng xòe”.

unesco-994-1639527886.jpg
Ảnh minh họa

Xòe có 3 loại chính: xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Các điệu xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa... Xòe vòng phổ biến nhất là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, cho biết điệu xòe vòng gần gũi với sinh hoạt cộng đồng. Nó vui vẻ, dễ múa, không hạn chế người tham gia vòng xòe, lại có thêm âm sắc của trống cái và chiêng đồng làm cho điệu xòe thêm náo nức.

“Lâu dần xòe vòng đã trở thành tập tục nghệ thuật trong đời sống người Thái. Nó có mặt trong hầu hết các ngày hội của cộng đồng. Xòe vòng đã trở thành nghệ thuật biểu tượng, là nghệ thuật thước đo tình cảm, sự gắn bó của cá nhân với cộng đồng. Cho nên, khi nói đến những kẻ mất gốc, quên nòi, người ta thường dùng câu nó quên mất xòe rồi”, ông Loan phân tích.

Cũng theo ông Loan, trước đây, Tây Bắc có các đội xòe chuyên nghiệp của quý tộc. Các đội này thường biểu diễn trong những nghi lễ ngoại giao. Sau này, các nghệ sĩ tản về và xây dựng các đội xòe địa phương theo cách của mình. Nhờ đó, có nhiều phong cách xòe, điệu xòe mang tính địa phương nở rộ và trở nên đa dạng.

Đề cử nghệ thuật Xòe Thái làm Di sản phi vật thể đại diện, Bộ VH-TT-DL cho rằng đây là nghệ thuật chứa đựng những giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực. Quan trọng hơn, nó chứa đựng ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. “Ngày nay, nghệ thuật xòe đã trở thành biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hóa tộc người, và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam”./.