Xuân đã đem mong nhớ trở về

Mùa xuân còn ở mãi tận đâu đâu sau cái màn xám bạc và ngọn gió bấc đang thổi se sạm mặt người, mang theo cái rét từ những vùng rừng núi phía Bắc mà tin thời tiết báo, có nơi vẫn năm, bẩy độ, đang rét đậm, rét hại mùa màng. Còn các tỉnh Nam Trung Bộ, cũng chính vì ngọn gió rét này tác động thêm vào mà làm nên những cơn mưa lũ ngập lụt bời bời…

Ấy vậy mà, chỉ thoáng nghe cái tin “Ga Sài Gòn đang lỗ lực hết khả năng của mình để bán sớm hơn hai mươi vạn tấm vé cho người về quê ăn Tết khỏi phải ăn chực nằm chờ…”. Thế là trong tôi cái cảm giác nhớ nhung bỗng dưng tìm về. Giờ tôi có hai miền quê thương nhớ. Hà Nội quê cha, còn Hà Tĩnh, quê người tôi thương…

Năm ngoái, tôi về Nghi Xuân, Hà Tĩnh ăn Tết. Sáng hai bẩy lên chợ Giang Đình sắm thêm những thứ cần dùng và chọn mua một cành đào để về cắm, kỷ niệm ngày vui, năm năm thương nhau mới có được cái Tết ăn chung… Nỗi nhớ Hà Nội lại bắt đầu từ những cành đào phai tôi gặp ở đây, hoa nụ đang hé nở khoe năm cánh màu tím nhạt, nom đến thơ ngây. Thứ hoa, cành lá bung nở tự nhiên như mơ, như mận trong vườn.

tho-ve-mua-xuan-5-1643653066.jpeg
Ảnh minh hoạ

Thật khác xa thứ đào được trồng tỉa, uốn nắn, chăm chiết ở những làng đào ngoại thành Hà Nội, hoa như những mâm sôi đỏ rực góc nhà. Người trồng phải rút đúc biết bao kinh nghiệm. Phải biết đoán định thời tiết từng năm làm sao giữ được cho hoa nở đúng ngày Tết. Nở sớm thì hoa rữa hết, mà Tết chưa tới. Còn nở muộn, thì còn gì vô duyên bằng, Tết đã xong rồi, hoa đào mới nở! Còn thứ đào ở đây, do sống tự nhiên cùng cây cối vườn tược, như thể bị bỏ quên cả năm để rồi trước Tết vài ngày, người ta mới nhớ tới việc chặt cành đem ra chợ bán cùng với sản phẩm khác để thêm tiền sắm Tết.

Thế mà nhìn cành nào hoa nụ như cũng đủ đầy. Cách nhau vài trăm cây số, chung nhau một vòm trời mưa xuân trắng nhẹ, chung nhau một cái Tết, nhưng tâm hồn con người cũng như hai loại đào kia, có lẽ đang cảm nhận mùa xuân theo những nét đẹp thật riêng.

Chẳng biết Nguyễn Du xưa, quê quán ở Nghi Xuân này, khi viết câu thơ “Trước sau nào thấy bóng người /Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, tả cảnh Kim Trọng trở lại vườn Thuý, đứng trước gia cảnh nàng Kiều đã ly tán, Người đã lấy hình bóng thứ hoa đào nào để viết? Mà sao lại đặt cõi lòng đang tan nát của Kim Trọng phút ấy phải đối diện với vẻ tươi đẹp rực rỡ của hoa đào, chứ không phải thứ hoa nào khác, của mùa nào khác mùa xuân, cái mùa mà ai cũng ao ước sum họp, ai cũng ao ước ấm êm. Nỗi biệt ly đau đớn trong lòng chàng Kim chắc hẳn phải gấp hai lần đau đớn.

Nghĩ lại cái tin vừa phát truyền hình về hơn hai mươi vạn người đang chờ mua vé tàu suốt Bắc - Nam để về quê Bắc ăn cái Tết sum vầy gia đình, sau cả năm biền biệt xa nhà kiếm cơm tìm áo, mới thấy thêm cái ý nghĩa sâu thẳm của mùa xuân, của hoa đào đã gợi lên trong hồn người Việt xa quê một tình yêu quê hương xứ sở diết da, lòng hướng về tổ tiên nguồn cội, tình máu mủ ruột rà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, tình thân thuộc xóm riềng bầu bạn.

Chả thế thì sao, Sài Gòn cũng đất nước mình, cùng một dải hình chữ S. Tết đến, ngoài này, trong ấy, cùng một giây khắc chung vui; nơi đào nở, nơi mai vàng cũng nở. Bánh chưng thơm, với bánh tét cùng một mùi thơm, mà lòng người vẫn trông ngóng về phương trời quê xứ Bắc qua chiếc vé tàu khứ hồi, phải sắp hàng cả ngày đêm, từ trước Tết hơn cả tháng trời…

Phút này đây càng thấy Nguyễn Bính thật tài hoa khi viết câu thơ “Xuân đã đem mong nhớ trở về”! Khi mùa xuân còn ở tận đẩu, tận đâu, chỉ một cái “tin Xuân” qua những chiếc vé tàu đã làm lòng ta nôn nao thương nhớ… Năm nay tôi sẽ ăn Tết ở Hà Nội, chắc lòng lại nhớ những cành đào phai đất Nghi Xuân năm trước, khi vừa qua cầu Bến Thuỷ, rẽ vào thị trấn Xuân An, đã gặp hai bên đường bày bán. Tôi sẽ nhớ ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Lam, thuỷ triều lên xuống phập phồng. Có con đò nhỏ cắm sào ngoài bến đợi, như riêng đợi tôi về với bến xuân…

Chử Văn Long