Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, thống kê mới nhất do Chính quyền Hong Kong công bố cho thấy ước tính tạm thời về giá trị doanh số bán lẻ trực tuyến trong ba quý đầu năm nay tăng 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái, do hoạt động kinh doanh bán lẻ của đặc khu này một lần nữa khởi sắc dưới sự phục hồi kinh tế ổn định.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến mạnh mẽ của người tiêu dùng Hong Kong, nền tảng “Tmall Hong Kong” của Alibaba đã ra mắt vào tháng 5/2021 để cung cấp cho người tiêu dùng Hong Kong nhiều dịch vụ mua sắm trực tuyến tiện lợi và chất lượng cao. Nền tảng này đồng thời nhận được sự tham gia nhiệt tình và hưởng ứng của các thương hiệu và doanh nghiệp Hong Kong, và nhanh chóng có hơn 5.000 thương hiệu tham gia “Tmall Hong Kong”.
Một cuộc khảo sát chung của KPMG Trung Quốc, GS1 Hong Kong và HSBC được công bố vào tháng Sáu năm nay cho thấy 60% người tiêu dùng trẻ tuổi của Hong Kong thích trải nghiệm mua sắm “không tiếp xúc”. Tỷ lệ thâm nhập thị trường của thương mại điện tử Hong Kong ghi nhận mức tăng 5% so với mức trước đại dịch.
Một loạt các công ty bán lẻ như Sa Sa, Pricerite, Japan home… đã nỗ lực cả bán hàng trực tuyến lẫn trực tiếp để tăng doanh số. Các thương hiệu như China Mobile Hong Kong, Samsung, Avène, Wai Yuan Tang, Tong Ren Tang, Eu Yan Sang… cũng đã tham gia bán hàng trực tuyến.
Ngày 11/11 không còn chỉ là ngày lễ độc thân, mà còn được coi là “ngày hội mua sắm” của người tiêu dùng Trung Quốc lẫn Đặc khu hành chính Hong Kong. Để hưởng ứng ngày này, không chỉ các trang thương mại điện tử lớn của Hong Kong tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá mạnh, mà một số đơn vị kinh doanh truyền thống cũng đang tích hợp yếu tố ngày lễ mua sắm 11/11 vào mô hình bán hàng truyền thống của mình để thu hút khách hàng.
Vào tháng 10/2021, Disney Hong Kong đã công bố trước chiến lược và chuỗi hoạt động mua sắm 11/11 trên tài khoản công khai của mình. Năm nay, khi làn sóng đầu tiên của sự kiện 11/11 bắt đầu vào nửa đêm ngày 11/11, doanh thu trong vòng một giờ đầu tiên của 2.600 thương hiệu tại Hong Kong đã vượt quá doanh thu của cả ngày 11/11 năm ngoái.
Louis Sham, người đứng đầu cấp cao về thương mại điện tử và tiếp thị của siêu thị Hong Kong, cho biết lưu lượng truy cập vào nền tảng trực tuyến của họ nhiều hơn bình thường từ 5 đến 6 lần trong vòng hai giờ đầu tiên sau khi bắt đầu sự kiện lễ hội mua sắm ngày 1/11.
Bà Annie Yau Tse, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hong Kong cho biết, mặc dù thương mại điện tử Hong Kong có tốc độ phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai so với Trung Quốc Đại lục. Bà nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp ở Hong Kong nên cố gắng tìm kiếm các nền tảng bán hàng mới để thích ứng với những thay đổi của thị trường hiện nay để tránh bị tụt hậu.
Nhiều người dân cho rằng các sản phẩm mua sắm trực tuyến của Hong Kong ngày càng đa dạng hơn, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện về dịch vụ giao hàng và sau bán hàng. Họ hy vọng Hong Kong sẽ sớm có cơ chế giao hàng nhanh chóng và dịch vụ hậu mãi hoàn hảo như ở Trung Quốc Đại lục.
Sự phát triển của thương mại điện tử phản ánh sức tiêu thụ mạnh mẽ và tiềm năng nhu cầu nội địa của thị trường Hong Kong. Mua sắm trực tuyến không những đã mang lại những trải nghiệm mới lạ và thuận tiện cho người tiêu dùng Hong Kong, mà còn đang thúc đẩy sự chuyển đổi ngành bán lẻ truyền thống của đặc khu này theo hướng năng động hơn.
Xu hướng mua sắm trực tuyến gia tăng ở Hong Kong (Trung Quốc)
15/11/2021 07:10:38
Mua sắm trực tuyến đang trở thành một trong những hình thức tiêu dùng quen thuộc và có xu hướng gia tăng ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nơi nổi tiếng là “thiên đường mua sắm” của châu Á và sự thay đổi trong phương thức mua sắm này có liên quan mật thiết đến đại dịch COVID-19.