Xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa – Bài 3: Diện mạo mới gắn tăng trưởng phát triển kinh tế xanh

Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các giá trị về vật chất như cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, văn hóa... mà còn phải góp phần tái cơ cấu ngành, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường.
2-1715564900.jpg
Mô hình trồng dưa nhà màng nhà lưới huyện Nga Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đảng và Nhà nước đã xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án và cơ chế, chính sách, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an sinh, an dân và phát triển đất nước.

Thay đổi tư duy thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Tại Thanh Hóa, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình xây dựng NTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương, Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn với triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tích cực phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ… từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần tăng giá trị hàng hóa nông sản.

3-1-1715565006.jpg
Lãnh đạo thăm, trải nghiệm tại mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Xuân Du huyện Như Thanh.

Đặc biệt, từ năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là “nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Quá trình thực hiện phải lấy doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân làm nhân tố trung tâm”.

Đến nay, Thanh Hóa đã tích tụ được gần 50.000 ha để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng gần 38,7 nghìn ha so với năm 2018, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025. Đặc biệt, người dân trên đã nhạy bén hơn với kinh tế thị trường, thay đổi tư duy sản xuất chú trọng đến nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Nhiều hình thức sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ được người dân đầu tư phát triển đã và đang phát huy hiệu quả như các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao kết hợp với du lịch thu hút đông đảo du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp…

Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 479 sản phẩm OCOP, trong đó có 56 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao. Đặc biệt, lô vải không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Vương quốc Anh, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Hay như các sản phẩm chiếu cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu sang Mỹ, Canada và EU.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Xác định xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực để chuyển đổi mô hình trồng lúa sử dụng phân bón từ vô cơ sang hữu cơ, phát triển vùng luồng thâm canh, rừng gỗ lớn, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản và tạo bể hấp thụ khí CO2. Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực bằng việc xây dựng cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích phát triển vùng trồng thâm canh.

Tại Quyết định số 3825/QĐ-UBND, tỉnh Thanh Hóa Ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh phải phù hợp với các quan điểm, mục tiêu cụ thể. Xây dựng được lộ trình cụ thể, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cấp, từng ngành và xây dựng được những giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, khả thi để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

1-1715565078.jpg
Nhà vườn Thảo Hiền xã Quảng Hợp, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.

Kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn; cùng với các nỗ lực thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất chủ lực, hình thành các cụm liên kết ngành, việc nâng cao sức cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa - lý để tái chế các chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Đến nay, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn được thực hiện, điển hình, như: Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp tiêu thụ sản phẩm, mô hình trông lúa - trồng nấm ăn - sản xuất phân hữu cơ; mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò; mô hình kinh tế tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô/cây ăn quả- gia súc, gia cầm - cá; mô hình lúa - cá...

Tiêu biểu như trang trại chăn nuôi Thảo Hiền ở thôn Én Giang, xã Quảng Hợp huyện Quảng Xương. Trên diện tích được quy hoạch, trang trại Thảo Hiền đã đầu tư 8.000 m2 nhà lưới trồng rau và hoa quả, xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi gà, lợn và đào ao thả cá. Phần lớn thức ăn cho gà, lợn, cá là các phụ phẩm rau, củ, quả trong vườn. Chất thải của vật nuôi được đẩy xuống hệ thống bể kiên cố, trộn thêm các loại men vi sinh. Phân hoai mục trở thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng trong trang trại.

Việc đầu tư phát triển kinh tế theo Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không rác thải không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, tạo ra các nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình triển còn một số hạn chế, như: Mô hình tăng trưởng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nước, lao động để tăng quy mô sản xuất. Việc phát triển theo chiều sâu, dựa vào công nghệ hiện đại còn hạn chế...

Khi các Nghị quyết và chính sách đi vào thực tiễn, ngày càng có nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả nở rộ rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến những vùng ven đô, kết hợp với cơ sở hạ tầng khang trang đã góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống./.

Còn nữa

Hà Khải