Xanh hóa ngành công nghiệp “không khói” từ du lịch từ nông nghiệp nông thôn

Du lịch nông thôn là hoạt động du lịch khai thác các giá trị tài nguyên đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê. Qua đó tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.
du-lich-nong-nghiep-1704790681.jpg
Du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh tại Thanh Hóa trong những năm gần đây.

Hướng đi bền vững của ngành du lịch

Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp với hệ thống tài nguyên bao gồm tất cả những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư và phát triển. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Thanh Hóa đã bước đầu đưa vào khai thác loại hình du lịch nông nghiệp đem lại kết quả khả quan. Qua đó thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển từ du lịch 4 tháng (du lịch biển) phát triển thành du lịch bốn mùa. Đưa du khách đến với những trải nghiệm mới mẻ từ những hệ sinh thái đa dạng của vùng miền, tham quan, khám phá những nét đẹp về văn hóa truyền thống…

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 116 làng nghề đã được công nhận; có 448 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 - 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao; 16 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống. Đây là cơ sở khai thác thêm dòng sản phẩm du lịch nghề, có khả năng bổ trợ cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 10 mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch. Trong đó, một số mô hình được đưa vào khai thác bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách và mang lại hiệu quả như nông trại nông nghiệp Queen farm, nông trại sinh thái Linh kỳ mộc, nông trại T-Farm, nông trại Golden Cow, nông trại Ánh Dương...

Tại Vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Xuân Liên... Các loại hình du lịch này ngày càng được đánh giá cao và đang góp phần cải thiện yếu tố mùa vụ cho du lịch Thanh Hóa (vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch nghỉ dưỡng biển); đồng thời, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh.

Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn

Quyết định số 922/QĐ-TT, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

du-lich-nong-thon-1704790852.jpg
Bảo tàng gốm cổ Tam Thọ thu nhiều du khách tham quan, trải nghiệm

Theo đó, phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Tại Thanh Hóa, kết quả bước đầu từ quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo dựng nên diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn xứ Thanh. Tính đến giữa tháng hết 2023, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 359 xã, 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đây cũng chính là tiền đề, là lợi thế lớn để tỉnh ta khai thác phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là một hướng đi rất cần được đẩy mạnh. Bởi du lịch không chỉ là một kênh quảng bá rất tiềm năng, mà còn là một kênh tiêu thụ vô cùng hiệu quả các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa.

Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 14/4/2023 của tỉnh Thanh Hóa về thực hiện “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025" xác định: Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM. Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù...

Mục tiêu tổng quát của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững./.

Hà Khải