WTO dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2023

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa đưa ra cảnh báo về tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới, do tác động tiêu cực từ hàng loạt yếu tố như giá năng lượng, lương thực leo thang, làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, hay cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo WTO, trong năm nay, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ đạt mức 3,5% - cao hơn so với dự báo trước đó, nhờ khối lượng giao dịch bùng nổ tại các nước sản xuất dầu và khí đốt tại Trung Đông. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình sẽ xấu đi đáng kể, khi kinh tế thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đa chiều.

Lãi suất tăng tại Mỹ, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và cả những gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc do dịch bệnh COVID-19 là những yếu tố có thể gia tăng sức ép lên thương mại toàn cầu. Các nước đang phát triển có thu nhập thấp cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng từ việc mất an ninh lương thực và nợ nần tăng cao.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng giám đốc WTO cho hay: "Bức tranh thương mại trong năm 2023 đã ảm đạm đi đáng kể. Chúng tôi hiện đang dự đoán về mức tăng trưởng khiêm tốn là 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,4% mà chúng tôi đã đưa ra trong dự báo hồi tháng 4".

lam-phat-1665043843.jpeg
Ảnh minh họa.

WTO nhấn mạnh rằng, các dự báo là không chắc chắn bởi có nhiều yếu tố khó lường như chính sách tiền tệ thay đổi ở các nền kinh tế phát triển và cuộc xung đột tại Ukraine. Thương mại toàn cầu được dự báo có thể giảm sâu 2,8% hoặc tăng mạnh 4,6% tùy vào tình hình diễn biến tiêu cực hay tích cực. Các quốc gia được khuyến cáo cần có sự điều chỉnh chuỗi cung ứng để thích nghi với những cú sốc gây gián đoạn cục bộ.

"Trong tương lai, cách ứng phó tốt hơn với các lỗ hổng của chuỗi cung ứng là xây dựng một cơ sở sản xuất hàng hóa và dịch vụ đa dạng hơn, ít tập trung hơn. Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều này sẽ góp phần đảm bảo khả năng phục hồi nguồn cung và ổn định giá cả trong dài hạn", bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết thêm.

Bên cạnh đó, WTO cũng lưu ý rằng, số biện pháp hạn chế thương mại đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón, đã có dấu hiệu gia tăng trở lại trong thời gian vừa qua. Các chính sách bảo hộ này được cho là sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, suy giảm mức sống của người dân và khiến các quốc gia trở nên dễ bị tổn thương hơn khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Được biết, Liên Hợp Quốc mới đây cũng cảnh báo rằng việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ gây ra mối đe dọa đối với các nước nghèo hơn và có thể khiến thế giới rơi vào suy thoái.

Trong khi đó, liên minh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bao gồm Saudi Arabia và Nga vừa thống nhất cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu 2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 11, động thái có thể sẽ khiến giá cả gia tăng.

Nga đã hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã ảnh hưởng tới các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, các yếu tố đã khiến nguồn cung lương thực toàn cầu sụt giảm.

Thi Nguyên (t/h)