Từ bao đời nay, cây tre đã đi vào đời sống và trở thành một phần không thể thiếu đối với người dân Việt Nam. Dù gắn bó mật thiết nhưng cách người dân mang cây tre vào trong đời sống sinh hoạt vẫn còn là sự tận dụng thô sơ, đơn giản. Nhận thấy điều này, nhiều nghệ nhân trên mọi miền đất nước đã có những ý tưởng khai thác, tận dụng cây tre theo nhiều hướng khác nhau. Và, nghệ nhân Võ Tấn Tân là một trong số ít những người thành công với niềm đam mê sáng tạo này.
Bỏ phố về quê, “dựng” nghề truyền thống
Nghệ nhân Võ Tấn Tân (Thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) còn được mệnh danh là “Vua tre đất Quảng” xuất thân từ gia đình có truyền thống làm thủ công mỹ nghệ. Năm 2000, anh Tân tốt nghiệp đại học ngành Điện tử viễn thông tại Đà Nẵng, sau đó gắn bó với thành phố này bằng nghề kỹ sư điện tử. Dù có công việc ổn định, thu nhập khá nhưng với tâm hồn yêu nghệ thuật, đam mê sáng tạo, công việc lặp đi lặp lại suốt nhiều năm ấy khiến anh mất dần hứng thú, anh chọn về quê gầy dựng lại những giá trị truyền thống.
Về lại Hội An, thoạt đầu anh tham gia vào lĩnh vực du lịch, thêm 8 năm trải nghiệm. Với lợi thế là người con phố Hội, ngoại ngữ tốt, anh không gặp nhiều khó khăn trong công việc này. Nhưng có lẽ niềm đam mê mãnh liệt, nỗi lòng đau đáu tìm kiếm con đường gìn giữ và phát triển nghề truyền thống vẫn luôn sôi sục, khiến anh quyết định xây thương hiệu chế tác tre mang tên Taboo Bamboo.
Được tiếp xúc với nghệ thuật chế tác tre từ nhỏ, anh hiểu từng kết cấu, đặc tính của mỗi loại tre phù hợp nhất với từng cách thao tác và chế tạo. Anh Tân cho biết, nguồn nguyên liệu tre anh tận dụng từ tài nguyên của địa phương kết hợp nhập ở các tỉnh thành như Thanh Hóa, Hòa Bình… Mỗi loại tre ở mỗi vùng miền có kết cấu dày mỏng, độ dẻo cứng khác nhau. Nếu không dày công nghiên cứu, không hiểu về tre thì chỉ làm thất thoát nguyên liệu chứ không tạo ra thành phẩm.
Bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ nhất như ống hút tre, lọ cắm hoa, đèn tre… đến những sản phẩm lớn được nhiều người biết đến như xe đạp tre, cá chép, cua khổng lồ, tôm càng xanh khổng lồ... Mỗi sản phẩm đều được anh Tân cùng với cộng sự của mình tỉ mỉ, chăm chút từng đường nét khắc họa.
Chia sẻ quá trình trở về “kế nghiệp” truyền thống gia đình, anh Tân háo hức: “Vào năm 2009, phố cổ Hội An bắt đầu cấm xe máy đi lại trong thành phố, chỉ cho phép xe đạp và người đi bộ vào thăm quan. Khi đó, tôi nghĩ tại sao mình không làm xe đạp bằng tre, vừa đúng với tiêu chí của thành phố, vừa thân thiện môi trường, mà đó lại là lợi thế của mình… Thế là tôi quyết định bắt tay vào làm xe đạp tre, rồi bắt đầu những sản phẩm kỳ công khác cũng theo đó mà ra đời”.
Từ xe đạp tre, anh ngày một nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhiều sản phẩm của anh còn theo chân du khách đến tận các nước châu Âu, châu Mỹ. Sản phẩm Taboo Bamboo có nhiều phân khúc giá, từ vài nghìn đồng đến vài trăm triệu đồng vẫn có người lùng mua, thậm chí đặt hàng từ trước.
Nâng tầm giá trị tinh hoa tre Việt
Bắt đầu từ sự yêu thích, niềm đam mê và mong muốn giữ được nghề truyền thống gia đình, sau khi mở xưởng anh Tân đối mặt với bài toán duy trì và phát triển, làm sao để sống được với nghề. Cùng đồng hành với anh là 6 người thợ có thâm niên từ 2-10 năm trong nghề. Không để đồng nghiệp phải chịu thiệt thòi cùng mình, tuy nhiên, anh cũng từ chối những lời mời hợp tác, mở rộng sản xuất hàng loạt vì đơn giản, anh không muốn sản phẩm của mình bị “mất chất”!
Cũng từ đó, ý nghĩ thay đổi sản phẩm, thay đổi thiết kế để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng càng thôi thúc ngọn lửa sáng tạo trong anh. Anh Tân bắt đầu tự đặt ra nhiều câu hỏi “Mình phải thay đổi như thế nào? Sản phẩm gì?...” rồi bắt đầu nghiên cứu xem tre phù hợp với cái gì, tại sao phải làm với tre mà không phải từ những sản phẩm khác. Từ những nỗ lực đó, xưởng tre Taboo Bamboo của anh ngày một tạo ra nhiều thiết kế kỳ công lại còn mang tính độc bản.
Dù tăng cường số lượng sản phẩm nhưng anh vẫn luôn giữ mình đi đúng với định hướng ban đầu, đó là sản phẩm của sự sáng tạo. Anh Tân cho rằng, khi phát triển quy mô quá lớn, đầu tư máy móc, con người nhiều thì từ đó số lượng sản phẩm tăng lại phải tìm đầu ra cho sản phẩm, đến lúc đó chỉ còn là sản phẩm công nghiệp, chứ không còn là sản phẩm của sự sáng tạo nữa. Mà không sáng tạo thì khó có thể tồn tại trên bản đồ làng nghề.
“Sau khi được nhiều người biết đến hơn, tôi nhận được rất nhiều lời mời hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng nhận thấy họ muốn theo hướng sản xuất hàng loạt, tôi từ chối ngay. Tôi cũng như những anh em thợ ở đây đều vì đam mê sáng tạo mà bỏ nhà máy, xí nghiệp về đây, không lý nào tôi vì lợi nhuận mà bắt cộng sự của mình lại tiếp tục đi theo con đường đó. Với tôi thợ phải thoải mái tinh thần, giờ giấc, phải có đất để sáng tạo chứ không phải làm việc theo ca, hết ngày hết nhiệm vụ…”, anh Tân bộc bạch.
Cũng chính nhờ giữ được lập trường làm nghề như vậy, tác phẩm tre Taboo luôn là những tác phẩm có 1 không 2, không có cái nào giống hệt cái nào. Từ đó không những đáp ứng được xu hướng “không đụng hàng” của du khách mà còn lấy lòng được ban giám khảo của nhiều cuộc thi tài năng sáng tạo, nét hoa nghề… mang về nhiều giải thưởng cao.
Khi được hỏi về những khó khăn trong suốt 15 năm mở xưởng, anh Tân thú thật bản thân không thấy trở ngại. “Ngay cả thời điểm dịch COVID-19, ai cũng lo lắng không duy trì được. Nhưng với tôi đó lại là một cơ hội. Tôi đóng cửa xưởng, có không gian yên tĩnh, dành nhiều thời gian để sáng tạo, lại nảy ra nhiều ý tưởng hơn”, anh Tân kể.
Khách du lịch đến xưởng tre Taboo đều sẽ được trải nghiệm đầy đủ từ đầu đến cuối các công đoạn chế tác một tác phẩm từ tre. Với Taboo không có “giấu nghề” mà còn khơi gợi, truyền cảm hứng cho du khách thỏa sức sáng tạo. Xác thực về điều này, chị Ji Eun - du khách người Hàn Quốc thích thú: “Tôi đã được hướng dẫn tận tình để tự tay làm ra thành phẩm riêng cho mình, dù mất khá nhiều thời gian nhưng tôi thấy vui vì điều đó. Cái này giống như gỗ nhưng lại không phải là gỗ, tôi được giải thích là một loại cây có nhiều ở các miền quê Việt Nam. Thật sự rất hay ho”.
Đến ngay cả việc tư vấn sản phẩm cho khách hàng, hầu hết anh Tân đều tự mình làm. Vì theo anh, là người hiểu tre, biết nghề thì mới có thể đánh giá, xem xét yêu cầu về sản phẩm có thực hiện được hay không, cần thay đổi chỉnh sửa như thế nào để phản hồi ngay cho khách hàng. Khách hàng tìm đến Taboo Bamboo có lẽ cũng chính vì sự tận tâm, sự nhiệt thành này của anh.
Câu chuyện sáng tạo cũng như tâm huyết của anh Tân với loài cây mang tính biểu tượng ấy quả thật ai nghe đến cũng phần nào ấn tượng. Có lẽ vì thế mà câu chuyện sáng tạo của Tân tre được nhắc đến và tham gia nhiều dự án của thành phố, đặc biệt là khi Hội An vừa được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới sáng tạo toàn cầu.
Với anh Tân, phát triển đi lên là điều tất yếu, nhưng có phát triển đến đâu thì vẫn phải giữ được phương thức làm nghề thủ công, sản phẩm phải được ra đời bằng óc sáng tạo chứ không phải khuôn mẫu, công nghiệp. Người sáng lập Taboo Bamboo mong muốn rằng tương lai sẽ thành lập được nhiều câu lạc bộ, quy tụ các bạn trẻ để truyền dạy nghề truyền thống một cách nghiêm túc, bài bản. Bởi giá trị truyền thống nếu muốn song hành với thời đại thì phải không ngừng sáng tạo, mà chính sự sáng tạo của thế hệ trẻ ngày nay là sức mạnh tiềm năng, tiềm tàng, có thể đưa tre Việt đi xa hơn, vươn tầm quốc tế hơn nữa.