Tất cả sản phẩm, dịch vụ được giải đều nằm trong Hệ sinh thái Chuyển đổi số của Viettel, giải quyết các bài toán trong những lĩnh vực nền tảng để xây dựng xã hội số như Chính phủ số, Thương mại điện tử & Logistics, An ninh mạng… Trong số đó, có 7 sản phẩm, dịch vụ phục vụ hoạt động chuyển đổi số của Chính phủ, doanh nghiệp. 8 sản phẩm, dịch vụ còn lại là kết quả của các nỗ lực chuyển đổi số nội tại của chính Viettel.
Ban Tổ chức Sao Khuê 2022 đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số của Viettel đã có vai trò quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và tạo được giá trị mới, lợi thế cạnh tranh.
Tiêu biểu trong các sản phẩm của Viettel được tôn vinh tại Sao Khuê 2022 có thể kể đến Giải pháp Viettel Threat Intelligence cung cấp, phân tích cơ sở dữ liệu giúp phát hiện, ngăn chặn các mối đe dọa, các cuộc tấn công mạng cầu; Cổng đấu giá công trực tuyến cho phép các cơ quan quản lý giám sát, theo dõi toàn bộ hoạt động đấu giá tài sản Nhà nước; Nền tảng khai phá dữ liệu Viettel Data Mining Platform có khả năng dự báo dự đoán, phân tích rủi ro và phát hiện bất thường trong quản lý doanh nghiệp…
Giải thưởng Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin VINASA tổ chức lần đầu tiên năm 2003 với mục đích lựa chọn, tôn vinh và phổ biến các nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam xuất sắc. Với chủ đề “Thúc đẩy tạo dựng các hệ sinh thái số”, Sao Khuê 2022 ghi nhận một kỷ lục mới khi Ban Tổ chức nhận được 314 hồ sơ đề cử từ 229 doanh nghiệp/đơn vị. Chung cuộc đã có 178 đề cử được trao tặng giải thưởng Sao Khuê 2022.