Vietcombank lên kế hoạch lợi nhuận vượt 30.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021, tương đương tối thiểu đạt 30.675 tỷ đồng.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố tài liệu phục vụ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Theo đó, nhà băng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, tương đương tối thiểu đạt 30.675 tỷ đồng. Đây sẽ là mức lợi nhuận kỷ lục của Vietcombank và cũng là mức cao nhất toàn ngành ngân hàng. Năm vừa qua, Vietcombank cũng là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành với hơn 27.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Được biết, tổng tài sản dự kiến tăng 8%; dư nợ tín dụng tăng 15%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%; tỷ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của NHNN.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đề xuất ĐHĐCĐ giao Hội đồng quản trị chỉ đạo thực hiện và quyết định điều chỉnh Kế hoạch kinh doanh năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là diễn biến dịch COVID-19 và theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong năm 2022, Vietcombank tập trung vào 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh bao gồm: Cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả, duy trì phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng với trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ, cùng tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả. Nhà băng này cũng sẽ đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng và sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chú trọng nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển văn hóa số trong Vietcombank.

Hồi đầu năm nay, Vietcombank cũng đã chi trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 27,6%, nâng mức vốn điều lệ hơn 47.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietcombank cho biết, vốn điều lệ vẫn đang thấp hơn gần 10.800 tỷ đồng so với phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tương ứng cho năm 2020.

vietcombank-lai-7000-ty-dong-loi-nhuan-quy-i2021-tu-tin-co-the-tang-tin-dung-141617547548-1649829758.jpeg
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank 

Đồng thời, nhà băng này sẽ đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng và sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chú trọng nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển văn hóa số trong Vietcombank.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ, Ban lãnh đạo Vietcombank dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 856 triệu cổ phiếu phổ thông với tỉ lệ phát hành 18,1%, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới. Số lượng cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị, phần lẻ thập phân sẽ bị huỷ bỏ. Ví dụ, cổ đông nắm giữ 160 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ được nhận số cổ phần mới là 28 cổ phần. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ mức 47.325 tỷ đồng hiện tại lên hơn 55.891 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là trong năm 2022.

Vietcombank cho biết, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông. Dự kiến sử dụng cho đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ: xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định (khoảng 500 tỷ đồng); mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của Vietcombank.

Ngoài ra, đại hội cũng dự kiến sẽ bầu bổ sung một thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023 và trình cổ đông lựa chọn công ty kiểm toán độc lập. Hiện cổ đông lớn nhất của Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước nắm 74,8% vốn, tiếp theo là Mizuho giữ 15% vốn, GIC nắm 2,55% và cổ đông khác nắm 7,65% vốn.

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ở mức 27.389 tỷ đồng, tăng 19%. Tổng tài sản ở mức 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 7%. Tổng huy động ở mức 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm liền trước. Dư nợ tín dụng ở mức 972.680 tỷ đồng, tăng 15%, tỉ lệ nợ xấu của nhà băng này ở mức 0,63%.
Phương Ly (t/h)