Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực, nhờ các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển.
Tuy nhiên, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm 2025 đang hiện hữu như: Giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Đến thời điểm này, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2025 khoảng 6,5%. Để đạt được mức tăng trên 7% mà Chính phủ đề ra, cần sự nỗ lực rất lớn, và quan trọng nhất là phải nắm bắt được cơ hội để phát triển.
Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số là hoàn toàn khả thi. Bởi thực tế hiện nước ta hiện đã đạt 6-7% mỗi năm, đồng thời nhận định nếu chúng ta đi đúng hướng thì việc tăng trưởng đạt 10-11% là thực tế.
“Hiện nay, chúng ta đặt ra thêm 2 động cơ nữa, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - sẽ giúp cộng thêm 1-2% nữa thì tăng trưởng lên hai chữ số là hoàn toàn có thể”, ông Đặng Huy Đông nhìn nhận.
Đồng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tiềm năng tăng trưởng hai con số của đất nước vốn đã có sẵn, nhưng đang bị cản trở bởi một số quy định và thủ tục hành chính. Do đó, cần có những giải pháp mang tính đột phá, xoá bớt những rào, thủ tục gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp tại Việt Nam được phép làm những gì pháp luật không cấm, nhưng vẫn đang tồn tại một “vùng xám” đó là “pháp luật chưa quy định”, điều này có thể gây cản trở cho những sáng tạo và đổi mới. Vì thế, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được đẩy mạnh trong năm nay và những năm tiếp theo.
“Một môi trường đầu tư kinh doanh - thể chế thực sự hiệu quả, chi phí tuân thủ thấp, thời gian thực hiện thủ tục thấp, doanh nghiệp có sự tự do sáng tạo trong những lĩnh vực pháp luật chưa cấm và chưa quy định… rõ ràng những mô hình kinh doanh mới, ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo mới thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới và Nhà nước chỉ cần thúc đẩy để phát triển”, ông Phan Đức Hiếu khẳng định.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; Tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong trung hạn, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách phân tích: Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Những thuận lợi từ bên ngoài cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng.
Thậm chí, Việt Nam có thể tận dụng được những chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để nâng cao vị thế cạnh tranh toàn cầu, giống như chúng ta đã đạt được trong năm 2024, khi tỷ trọng xuất khẩu của chúng ta vào Hoa Kỳ chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch của Việt Nam trong năm 2024./.