Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để tăng trưởng năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Mục tiêu ưu tiên tăng trưởng hơn bao giờ hết, năm 2025 - một trong những yêu cầu đối với tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đặt trong trạng thái chỉ đạo, điều hành là mục tiêu tăng trưởng phải từ 8-10%. Do đó, phải tự đặt cho mình những mục tiêu cao hơn để chúng ta đạt được nội dung các chỉ đạo gần đây đã cập nhật.

Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 1/2025 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 16/1.

hoi-nghi-bao-cao-vien-1-1737030660.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Báo cáo viên tháng 1/2025 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 16/1. (Ảnh CTV)

Nền kinh tế khẳng định sự phục hồi nhanh và mạnh mẽ

Thông tin chuyên đề về Tổng quan tình hình kinh tế xã hội năm 2024, dự báo tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong năm vừa qua, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đề ra. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng, quy mô nền kinh tế… đạt kết quả nổi bật.

Cụ thể, nền kinh tế khẳng định sự phục hồi nhanh và mạnh mẽ; tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,09%, cao hơn mục tiêu đề ra (6-6,5%), là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm một số nước tăng trưởng cao trên thế giới, khu vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng cao, cả năm tăng 9,83%, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; thu ngân sách nhà nước tăng 19,8% so với dự toán. Bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều dưới ngưỡng cảnh báo của Quốc hội. Thu hút vốn FDI cả năm đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm tăng 15,4%, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật được chú trọng chỉ đạo thực hiện quyết liệt với tư duy đổi mới. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và triển khai Đề án 06 đạt nhiều kết quả tích cực…

Mặc dù vậy, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển…

hoi-nghi-bao-cao-vien-2-1737030691.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại hội nghị.(Ảnh CTV)

Về kế hoạch phát triển năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ: Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với 15 chỉ tiêu chủ yếu. Đồng thời, để hiện thực hóa tầm nhìn, chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư về Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để tăng trưởng năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt hai con số.

“Mục tiêu ưu tiên tăng trưởng hơn bao giờ hết, năm 2025 - một trong những yêu cầu đối với tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đặt trong trạng thái chỉ đạo, điều hành là mục tiêu tăng trưởng phải từ 8-10%. Do đó, phải tự đặt cho mình những mục tiêu cao hơn để chúng ta đạt được nội dung các chỉ đạo gần đây đã cập nhật”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Định hướng công tác tuyên truyền, hoạt động báo cáo viên năm 2025

Tại hội nghị, các đại biểu được thông tin chuyên đề về: Tình hình thế giới, hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Đảng, Nhà nước năm 2024, dự báo tình hình thế giới và nhiệm vụ công tác đối ngoại, ngoại giao năm 2025.

Thông tin chuyên đề tại hội nghị, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn cho biết, năm qua, Việt Nam vẫn giữ vững cục diện đất nước hòa bình, ổn định, phát triển, được dư luận quốc tế đánh giá là một trong những “điểm sáng” ở khu vực.

Các hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam trong năm 2024 được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong môi trường an ninh và phát triển đang chuyển biến rất nhanh, sâu sắc như hiện nay, tất cả các quốc gia đều đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết để cùng giải quyết các vấn đề chung cấp bách.

Trên tinh thần đó, Việt Nam đã chuyển từ chủ trương “tham gia, tham dự” sang phát huy vai trò là “thành viên tích cực, có trách nhiệm”, khởi xướng, dẫn dắt nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác và chủ động tham gia xây dựng, định hình quản trị toàn cầu, khuôn khổ và luật lệ trên nhiều lĩnh vực.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao năng lực, vai trò và những đóng góp thiết thực, trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề chung, như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá: “Việt Nam là một hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững”.

hoi-nghi-bao-cao-vien-3-1737030628.jpg
Mục tiêu ưu tiên tăng trưởng hơn bao giờ hết, năm 2025 - một trong những yêu cầu đối với tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đặt trong trạng thái chỉ đạo, điều hành là mục tiêu tăng trưởng phải từ 8-10%. (Ảnh minh họa)

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2024 và Hướng dẫn công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2025 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Phát biểu kết luận, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị, năm 2025, toàn ngành Tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30 ngày 5/2/2024 của Ban Bí thư khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; tập trung nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng; đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng; tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng; tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, gắn với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2025.

Về công tác tuyên truyền trong tháng 1/2025, ông Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền theo Hướng dẫn số 184-HD/BTGTW ngày 31/12/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương và thông tin do ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn cung cấp tại hội nghị.

Cùng với đó, đội ngũ báo cáo viên tập trung tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025); việc tổng kết và những kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cùng một số nội dung quan trọng khác./.

Bình Châu