Về Phố Cát viếng thăm đề thờ Mẫu Liễu Hạnh

Tọa lạc trên một đỉnh núi ở phố Cát thuộc thị trấn Vân Du (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) với một quần thể hệ thống đền núi, hang động, suối, thác, nổi tiếng, Đền Phố Cát, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là điểm điến không thể bỏ qua của du khách.
pho-cat-3-1709776236.jpg
Lễ Hội Đền thờ Phố Cát diễn ra từ ngày 15/1 đến ngày 3/3 âm lịch.

Đền Phố Cát được dựng vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786), đến năm 1896 được trùng tu tiền đường, làm giải vũ, tô tượng. Đền Phố Cát nằm ở lưng chừng núi, thoáng đãng, với thế đất đẹp. Gần đền có một dòng suối nhỏ, quanh co uốn lượn tạo nên phong cảnh hữu tình, đến trước cửa đền, dòng suối tụ thành một cái hồ nhỏ.

Ở suối có rất nhiều cá, cứ vào mùa hội đền người dân lại bắt gặp từng đàn cá tung tăng bơi lội những con cá này rất "linh thiêng" và không ai dám mạo hiểm bắt chúng. Và đây cũng là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu của người dân xứ Thanh.

Tương truyền rằng, Phố Cát là vùng đất phong cảnh hữu tình, có đồi núi, có suối uốn quanh, hoa xanh, cỏ tốt quanh năm. Vì yêu quý con người và cảnh sắc nơi đây, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã giáng trần để cứu nhân độ thế, được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Mẫu và trở thành một trong tứ bất tử của văn hóa Việt Nam (gồm Tản viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh).

Đền tọa lạc trên vùng đất chiến lược quan trọng. Xưa kia, các vương triều phong kiến đã mở đường qua Phố Cát để phục vụ cho mục đích quân sự. Trong đó phải kể đến vua Lê Đại Hành từ thế kỷ thứ X, Vua Lê Thánh tông, thế kỷ thứ XV… đã từng đưa quân đánh dẹp Chiêm Thành qua nơi đây.

Đến năm 1400, Hồ Quý Ly cho mở đường thiên lý Tây Giai - Kim Tân - Phố Cát ra Bắc. Về sau, Trịnh Kiểm đã mở đường Phố Cát qua sông Bồ Đề để hành quân đánh Mạc Mậu Hợp năm 1570.

Rồi đến những năm (1940-1941) Phố Cát còn là nơi in dấu chân hoạt động cách mạng của các chiến sĩ du kích cách mạng của chiến khu du kích Ngọc Trạo cũng là địa điểm quan trọng của chiến khu Hòa - Ninh - Thanh trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp.

pho-cat-1-1709776360.jpg
Đền Phố Cát tọa lạc giữa lưng chừng núi, nơi có vị trí chiến lược quan trọng.

Nằm trong khuân viên của đền còn có Đền quan giám sát. Đề được xây dựng cùng thời điểm với đền Phố Cát, thờ Quan lớn Đệ nhị thượng ngàn hay còn gọi là Quan đệ nhị giám sát. Ông vốn là con trai thứ 2 của Vua Bát Hải Động Bình, hạ phàm đầu thai vào Hoàng cung. Ông được giao quyền giám sát cai quản sơn lâm, thượng ngàn.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Quan đệ nhị giám sát là những vị thần mà nhân dân ở đây thờ tự với mong muốn được thần bảo hộ, che chở cho cuộc sống dân làng được bình an.

Với kiến trúc truyền thống mang những dấu ấn riêng của vùng núi xứ Thanh. Phía trước đền có 3 ngọn núi đá án ngữ như bức bình phong. Trước đền Phố Cát và đền Quan Giám sát có dòng suối nhỏ đổ về. Cây cầu bằng đá bắc qua suối hình vòng cung. Tại đền Phố Cát còn lưu giữ một số hiện vật quý như tượng, kiệu, bia đá... thời Nguyễn.

Các nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng: Tín ngưỡng thờ Mẫu là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể. Gắn bó với tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các huyền thoại, thần tích, các bài văn chầu, truyện thơ nôm, các bài giáng bút, câu đối, đại tự. Bên cạnh đó, khi nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu còn phải nói đến các hình thức diễn xướng như hát chầu văn, lên đồng… Và lẽ dĩ nhiên, khi nói đến tín ngưỡng, lễ hội sẽ không bao giờ tách rời với không gian thực hành, đó là các điểm di tích.

pho-cat-2-1709776353.jpg

Đền lưng tựa sơn, mặt hướng thủy.

Trong hệ thống đa dạng, phong phú các đình, chùa, đền, miếu… trên mảnh đất xứ Thanh, có hai nơi gắn liền với huyền tích giáng trần của Thánh mẫu Liễu Hạnh – người được suy tôn là một trong “Tứ bất tử”, có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đó là: đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và đền phố Cát (thị trấn Vân Du, Thạch Thành). Đây là những ngôi đền thiêng, nơi đông đảo du khách thập phương tìm về chiêm bái, gửi gắm mong cầu, ước nguyện… Chính vì vậy mà trong dân gian hiện nay vẫn còn lưu truyền câu ca dao về sự linh thiêng của đền như sau: “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh/ Thứ nhì phố Cát, thứ ba đền Hàn”.

Theo bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành cho biết: Di tích Phố Cát nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh có ảnh hưởng rộng của tín ngưỡng thờ Mẫu, cho nên Lễ hội truyền thống trước đây được tổ chức với quy mô rộng rãi từ ngày 15/1 đến 3/3 âm lịch, chính lễ vào ngày 18/2 âm lịch với các hoạt động chính như: lễ bái, cầu cúng, thượng đồng và các trò chơi dân gian như đu đôi, đu tiên, tổ tôm, cờ tướng và đặc sắc nhất của lễ hội Phố Cát đó là lễ rước bóng Thánh Mẫu.

Nhiều năm qua Lễ hội Đền Phố Cát dần chưa được khôi phục tổ chức một cách bài bản, đúng với quy mô, tầm vóc và vị trí quan trọng của Đền.

Việc khôi phục lại Lễ hội Đền Phố Cát năm 2024 thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thành đối với công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh hiện có trên địa bàn huyện, làm cơ sở để tiếp tục đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa của huyện ngày càng hiệu quả./.

Hà Khải