Đỉnh thiêng thành huyền tích
Huyệt đạo Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa với độc cao khoảng 500m (so với mực nước biển) thuộc thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây được các thầy phong thủy từ xa xưa đánh giá là một trong những huyệt khí thiêng nhất nước ta gắn với nhiều giai thoại kỳ bí.
Theo sách Đại Nam thống nhất chí thì núi Nưa trước có tên là Na San (núi đuổi ma) ở sở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc phía Tây của huyện Nông Cống. Mạch núi vốn được bắt nguồn từ huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân.
Để đánh đuổi ma quỷ, trừ hại cho dân, trên đỉnh núi đã xuất hiện một vị tu sĩ dùng phép thuật chấn yểm yêu ma. Đồng thời cho xây lên một ngôi chùa cổ còn gọi là Am Tiên. Bên dưới chùa, vị Tu sĩ đã đào 1 cái giếng để âm dương hài hòa, ngũ hành tương sinh. Từ đó, linh khí của đất trời đã hội tụ về nơi đây, biến nơi này thành huyệt dương khí.
Trên đỉnh núi Ngàn Nưa, có động Am Tiên, Giếng Tiên, Bàn cờ Tiên, Vườn Thuốc Tiên và Vườn Đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một chốn tu tiên đắc đạo.
Giếng Tiên nằm trên đỉnh núi cao 500 m so với mực nước biển, gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí; nước trong giếng từ núi chảy ra nên rất tinh khiết, nguồn nước chảy vào giếng được gọi là Long mạch. Tương truyền rằng, các tiên nữ xưa kia thường xuống đây hái đào và tắm nước giếng, vì vậy được gọi là Giếng Tiên.
Theo sử sách, nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa. Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Nam.
Từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100 m, du khách hành hương sẽ thấy một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21 m, đây chính là huyệt thiêng, hay gọi là huyệt khí dương.
Theo các nhà phong thủy, đây là điểm hội tụ giao hòa của đất - trời, hay còn gọi là nơi mở cửa trời, tất cả những tinh hoa và linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Bốn hướng huyệt đạo đều có bốn bát hương, ở giữa có một bát hương của thổ thần ứng với Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
Tại huyệt đạo Am Tiên, có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ và có những câu chuyện huyền bí đã xảy ra mà cho đến giờ vẫn chưa thể lý giải được. Đứng trên huyệt đạo có thể nhìn thấy 4 phương 8 hướng đất trời. Bên huyệt đạo, con người như được tiếp thêm năng lượng, sinh khí của đất trời.
Nơi phát tích anh hùng
Từ khi đất trời giao thoa, đã ban cho nơi này một nguồn năng lượng tích cực, qua đó sản sinh ra biết bao anh hùng. Không những vậy, những loài cây, muôn thú ở đây cũng trở thành linh vật. Tiêu biểu nhất là Bà Triệu và con voi trắng 1 ngà.
Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.
Bà Triệu đã chọn Ngàn Nưa là nơi hiệu triệu nghĩa quân, bởi theo lời sấm truyền: Dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông - nơi đặt Am Tiên, đứng ở nơi đây hét lớn tứ phía đều nghe rõ.
Quá trình tập luyện binh sĩ, ở dưới chân núi xuất hiện con voi trắng một nga rất hung dữ, dân làng không có cách nào đuổi đi được. Nhận được tin, bà Triệu đã xuống tìm cách thu phục voi. Khi thấy bà, voi trắng đã quỳ xuống hành lễ, mong được làm thú cưỡi của bà.
Cũng từ đó, dân gian đã lưu truyền câu hát ru:
“Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiến cho chồng ra quân”.
Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.
Trải qua hàng ngàn năm, dấu tích trên ngọn núi này đã bị xóa mờ theo thời gian, nhưng những câu chuyện về giếng tiên, bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên, động am tiên… vẫn còn được kể và lưu truyền đến tận ngày nay và thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Bởi nơi đây có một huyền bí chưa thể lý giải được, hòa quyện với những chứng tích lịch sử hào hùng của một vị nữ anh hùng.
Ông Lê Bật Sơn, Thủ từ Đền Am Tiêm cho biết: “Đây chính là nơi giao thoa giữa đất và trời, nên ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Khi đứng ở huyệt đạo, nếu du khách nắm tay, nhắm mắt lại, sau đó thả lỏng cơ thể sẽ thấy tâm hồn như đang bay bổng”.
Hàng năm, vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch chính là ngày mở cửa trời tại đỉnh Am Tiên, nên cho dù ngày đó trời có mưa gió, bão bùng thì có một thời khắc nhất định núi Nưa sẽ quang đãng, hanh thông, đất trời như rộng mở.
Lễ hội đền Nưa - Am Tiên được tổ chức kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Ngay từ những ngày đầu năm, du khách đã hành hương đến huyệt đạo linh thiêng này để cầu mong những điều tốt lành cho năm mới và chờ đón ngày “mở cửa trời”. Trong ngày hội chính, từ sáng sớm lễ hội đã bắt đầu với màn rước cỗ dâng lễ vật bằng kiệu bát cống với những sản vật là hoa quả và bánh dầy - một đặc sản của địa phương được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng… để làm lễ tế thiên địa, thần linh và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi./.