Vẫn nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế số bền vững trong bối cảnh mới

Nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế số nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức. Song trước yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững, các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên các nền tảng số phải có những giải pháp phù hợp, gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Theo báo cáo của E-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hoá, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể từ 30-40% so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của nền kinh tế.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, tại hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng: Bên cạnh quy mô dân số gần 100 triệu người, lượng người dùng Internet chiếm tỷ lệ cao. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế số. Cụ thể, Quyết định số 645/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1968/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 411/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

b846ed35165dcc03954c-1676042984.jpg
Hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”. Ảnh: Hương Lan

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã từng bước được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không...

Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, nhưng theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như: Hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển của kinh tế số Việt Nam.

Do đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế-pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Về phát huy trách nhiệm phát triển bền vững trên nền tảng thương mại số, ông Dương cho rằng, “kinh tế số, xã hội số không chỉ có người bán mà còn có cả người mua.” Ngoài ra, ông Dương cho rằng tư duy quản lý cần hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của người mua. Trong số đó, các chính sách cần ưu tiên đến các vấn đề như xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến, ý thức đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, đặc biệt là ý thức về tiêu dùng bền vững.

Với vai trò quản lý Nhà nước, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: Hiện Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử. Mặt khác, Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội đồng thời xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website/ứng dụng vi phạm pháp luật

Bên cạnh đó, để giảm tác động ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với môi trường, trong khâu bán hàng, theo bà Việt Anh cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường và xây dựng logistics thông minh, tối ưu hoá vận chuyển và giao hàng. Đồng thời, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có các giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.

Ngoài ra, bà Việt Anh chia sẻ thêm số liệu thống kê về yêu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì từ Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr cho thấy có khoảng 86% người tiêu dùng cho biết có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững đồng thời 77% người tiêu dùng mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai.

Bao bì bền vững được định nghĩa là phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng và được làm từ các nguồn tài nguyên hoặc vật liệu tái tạo nhanh chóng. Hoạt động này làm giảm tác động môi trường và dấu chân sinh thái của chất thải sản phẩm tiêu dùng.

“Nhu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì bền vững là hiện hữu, do đó tính bền vững và bao bì ít chất thải phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp,” bà Việt Anh nhấn mạnh.

Đông Nghi