Tại các vùng ven biển tỉnh Bến Tre, nghề nuôi tôm biển đã gắn bó lâu đời với bà con. Tuy nhiên, do áp dụng sản xuất theo cách truyền thống nên cho thu nhập bấp bênh (vụ được, vụ mất), năng suất đạt thấp, chất lượng tôm đạt không cao, không xuất khẩu được. Gần đây, được sự hỗ trợ các ngành chức năng giúp nông dân ven biển tiếp cận khoa học kỹ thuật ứng dụng nuôi tôm biển theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn, giúp cho nông dân đổi mới tư duy, áp dụng sản xuất theo hình thức mới mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống.
Anh Nguyễn Minh Nhũ, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri cho hay, trước đây, gia đình anh nuôi tôm thẻ chân trắng theo lối truyền thống, những năm đầu cho thu nhập khá, càng trở về sau, các ao nuôi liên tục bị thất thu, do tôm chết, hao hụt, tôm nuôi không đạt kích cỡ lớn. Được sự hướng dẫn, tập huấn của các ngành chức năng và hỗ trợ về các cơ chế, chính sách, vốn đầu tư, anh mạnh dạn cải tạo ao hồ, lắp đặt hệ thống ương giống theo mô hình nuôi tôm công nghệ khép kín 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong ao ươm khoảng một tháng nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ nên tỷ lệ tôm sống cao, ít dịch bệnh, tôm phát triển khỏe mạnh. Sau đó, chuyển sang giai đoạn 2 nuôi thương phẩm ở ao lớn, trung bình thời gian nuôi khoảng 2 đến 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Với diện tích hơn 8 ha, ao nuôi tôm của gia đình anh Nhũ cho thu hoạch với năng suất đạt khoảng từ 9-11 tấn/ha, thu nhập bình quân sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống trước đây.
Anh Nhũ chia sẻ, trước đây gia đình anh nuôi tôm theo kiểu truyền thống, bây giờ áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ khép kín 2 giai đoạn nên năng suất đạt cao hơn nuôi thường rất nhiều. Tôm nuôi đạt kích cỡ lớn, bán được giá; dịch bệnh cũng được kiểm soát chặt nên chi phí thức ăn, tiền điện và các chi phí khác giảm xuống. Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình này cũng giảm thiểu tác hại, ít gây ô nhiễm môi trường do có hệ thống ao lắng xử lý nước đảm bảo trước khi xả thải ra ngoài.
Riêng đối với anh Phan Hoàng Tân ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, với 3,5 ha trồng sầu riêng cho năng suất 40 tấn/năm, mang lại lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng/năm. Anh Tân cho hay, để nâng cao năng suất và chất lượng trái sầu riêng hướng đến xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng, ngoài những giải pháp truyền thống trước đây, anh đã áp dụng thêm các giải pháp mới.
Cụ thể là sử dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước kết hợp với bón phân, đảm bảo lượng nước vừa đủ, vừa tiết kiệm được nguồn nước ngọt vào mùa hạn mặn, vừa tiết kiệm được phân bón và thời gian chăm sóc. Bên cạnh đó, anh còn sử dụng kỹ thuật tỉa cây hình chóp vừa tạo tán cho cây, vừa đảm bảo đủ nắng cho cây quang hợp, tránh được sâu bệnh gây hại. Với các giải pháp nêu trên, ngoài việc giúp nâng cao năng suất và chất lượng trái còn góp phần tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường do quản lý được nguồn nước tưới, phân bón, đặc biệt là trong quá trình canh tác, anh luôn ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để xử lý sâu bệnh.
Anh Tân lý giải, cách tạo tán hình chóp giúp giảm độ che phủ của tán cây sầu riêng trên cùng một đơn vị diện tích đất, giảm công chăm sóc, giải quyết được vấn đề thiếu lao động, an toàn trong sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, áp dụng giải pháp này còn giúp vườn sầu riêng giảm đổ ngã do mưa bão, giúp quản lý sâu bệnh đạt trên 95%, giảm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến 40%, giảm chi phí thu hoạch, ngược lại năng suất tăng khoảng 30%.
Không chỉ vậy, anh Tân còn lắp đặt hệ thống tưới kết hợp phun thuốc, bón phân tự động cho vườn sầu riêng để tiết kiệm công lao động. Chia sẻ về hệ thống tưới tự động, anh Tân nói, nếu như trước đây khi tưới nước cho cây, phải kéo dây đi hết cả vườn, tốn rất nhiều nhân công.
Ngoài ra, việc tưới, bón phân, phun thuốc tự động đem lại hiệu quả rất cao và an toàn hơn so với việc đeo bình phun và phun áp suất từ dưới gốc lên như cách truyền thống vì tránh được thuốc tiếp xúc vào cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiệu quả lớn nhất là hệ thống này đã giúp gia đình anh bảo vệ vườn sầu riêng khỏi sâu bệnh ảnh hưởng đến cây.
Từ ngày áp dụng hệ thống tưới, phun phân, thuốc tự động giúp gia đình anh giảm rất nhiều công lao động, thay vì tưới, phun cả vài ngày thì bây giờ chỉ cần từ 30- 60 phút/ngày là đã xong cả vườn. Từ đó, giảm được chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình.
Ông Lao Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao nhiều giai đoạn đã mang lại hiệu quả thiết thực, lợi nhuận tăng từ 4-5 lần so với cách nuôi truyền thống. Từ những hiệu quả mang lại giúp cho hộ dân nuôi tôm chuyển đổi theo hình thức mới này. Bên cạnh đó, các kỹ thuật mới trong sản xuất cây ăn quả được người dân áp dụng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới. Từ đó, mang lại hiệu quả bền vững trong sản xuất, chăn nuôi.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, Lao Văn Trường, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi, đã giúp cho các hộ nông dân thay đổi dần tập quán sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững. Để nông dân tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre thường xuyên phối hợp ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để chia sẻ kiến thức mới cho các hộ nông dân.
Hội nông dân tỉnh Bến Tre đã thành lập câu lạc bộ nông dân tỷ phú tại tỉnh và các huyện. Đáng chú ý, thông qua câu lạc bộ, các nông dân đã được thấy hiệu quả thực tế từ các điển hình và áp dụng sản xuất làm theo. Các nông dân đã áp dụng thành công chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp cho các nông dân khác để ứng dụng thực tế vào sản xuất./.