Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới (World Invention Intellectual Property Associations - WIIPA” có trụ sở tại Đài Loan, được thành lập từ năm 2010. Hiện có 50 quốc gia thành viên và các đối tác hoạt động với tiêu chí thúc đẩy sáng chế, đổi mới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu.
Tháng 12/ 2021, Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới đã tổ chức Triển lãm Quốc tế lần thứ 14 về các công trình Sáng chế và Thiết kế tại Kaohsiung, Đài Loan, thu hút hơn 412 công trình sáng chế, đổi mới mới nhất từ 28 quốc gia. Công trình “Kiến tạo hệ sinh thái thực chứng – Huấn luyện dịch chuyển người tự kỷ” của Tiến sĩ Phan Quốc Việt đã xuất sắc giành Huy chương Vàng của Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới trong sự kiện này. Hơn thế nữa, công trình của TS Phan Quốc Việt còn được trao Giải đặc biệt. Ngày 9/2/2022, đại diện cho Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới, TS Phan Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại của WIIPA đã trân trọng thông báo về sự kiện này. TS Nguyễn Thiện Trưởng, PCT thường trực Hiệp hội Giáo dục, Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam, Nguyên thứ trưởng - Phó chủ nhiệm UB Dân số gia đình và trẻ em Việt Nam đã trao tặng TS Phan Quốc Việt Huy chương Vàng và Giải đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA).
TS Nguyễn Thiện Trưởng phát biểu trong sự kiện: “Lúc nào chúng ta cũng nói đến đổi mới, sáng tạo, tuy nhiên việc đổi mới, sáng tạo luôn luôn được nêu ra nhưng thực hiện nó vô cùng phức tạp, vô cùng khó khăn. Đổi mới, sáng tạo là tư duy vượt trước ít nhất cũng 5 năm hoặc 10 năm, có thể có những tư duy sáng tạo vượt trước vài chục năm, vài trăm năm. Vì vậy việc nhận biết và ghi nhận nó không hề đơn giản. TS Phan Quốc Việt đã cùng với Hiệp hội Giáo dục, Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam và gia đình các em tự kỷ đã dày công nghiên cứu sáng tạo, tuy nhiên không phải chúng ta đã hiểu biết về nó. Trẻ em từ 12-20% có dấu hiệu tự kỷ, trầm cảm, và có thể đến vài triệu người. Chính phủ đưa ra Nghị định 1929 về vấn đề chăm sóc trẻ em có biến động về tâm thần, trầm cảm, tự kỷ. Nhưng đến năm 2020 chúng ta mới đưa ra được một số mục tiêu và việc thực hiện nó còn đầy khó khăn. Huy chương Vàng và Giải đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIIPA) cho Tiến sĩ Phan Quốc Việt với công trình “Kiến tạo hệ sinh thái thực chứng – Huấn luyện dịch chuyển người tự kỷ” trong số 412 công trình từ 28 quốc gia tham dự chứng tỏ rằng việc nhận thức của thế giới về trẻ tự kỷ đã rất rõ nhưng nhận thức của chúng ta vẫn còn hạn chế. Chúng ta cần tiếp tục ủng hộ về cơ chế, chính sách và tinh thần để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2030.”
Vui mừng trước sự kiện này, GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phát biểu: “Với tình cảm của một người làm giáo dục nhiều năm, tôi rất vui, cảm kích nhiệt liệt chúc mừng TS Phan Quốc Việt đã đạt những thành công tuyệt vời! Đó là thành tựu của trí tuệ, của sự thánh thiện đầy lòng bác ái, của sự kiên nhẫn sư phạm phi thường. Các bạn thực sự là những nhà khoa học đã dồn tâm sức, làm công việc cực kỳ khó khăn để cứu vớt những số phận thiệt thòi, giúp người tự kỷ vươn lên và tỏa sáng. Câu chuyện mà TS Phan Quốc Việt và đồng sự làm được hết sức quan trọng đối với chúng ta. Họ thật đáng kính phục và đáng được tôn vinh. Xin gửi lòng yêu thương đến các em học viên!”
Trong 8 năm qua, TS Phan Quốc Việt cùng các thầy cô và huấn luyện viên Trung tâm Tâm Việt đã giúp dịch chuyển số phận của hàng trăm trẻ tự kỷ, trong đó có những em vươn lên thành tài năng, thành kỷ lục gia Châu Á và Việt Nam như Nguyễn Khôi Nguyên, Nguyễn Đình Khánh Hưng…