Trung Quốc mở cửa trở lại, giá thanh long tăng vọt

Năm 2022 được coi là năm "mở cửa" thị trường Trung Quốc của ngành nông nghiệp Việt Nam khi nhiều loại nông sản được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: Sầu riêng, khoai lang, chuối, tổ yến. Ngoài ra, chanh leo và ớt tươi cũng được nước bạn chấp nhận thí điểm xuất khẩu chính ngạch.

Sau 3 năm theo đuổi chính sách Zero COVID-19, từ ngày 8/1, Trung Quốc đã gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm COVID-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh. Nhờ bước đệm này, năm nay được kỳ vọng là "thời cơ chín muồi" để nông sản Việt mở rộng thị phần, nhất là khi ngay từ đầu năm Trung Quốc mở cửa biên giới sau một thời gian dài hạn thực hiện chính sách Zero COVID-19.

Ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, môt công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây trong nước cho biết, mỗi ngày công ty vừa thu mua từ 300 tấn - 500 tấn thanh long. Sản lượng thu mua này đã bằng 70% so với công suất nhà máy trước đó.

Tại vườn thanh long ruột đỏ rộng 6.000 m2 của gia đình ông Hồ Đình Lâm (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), sau khi trừ chi phí, ông lời khoảng 45 triệu đồng. "Hiện tại giá thanh long là 32.000 đồng. Với mức giá này, người nông dân rất phấn khởi, so với mọi năm thì hơn nhiều, vì COVID-19 giá rẻ, khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg", ông Hồ Đình Lâm, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ.

Tại xã Bưng Riềng, các hộ trồng thanh long đang trong giai đoạn xịt dưỡng hoa cho lứa mới. Theo các hộ dân, giá thanh long bắt đầu tăng từ tháng 9 năm ngoái, hiện đang ở mức 35.000 - 38.000 đồng/kg với thanh long ruột đỏ và 25.000 đồng/kg với thanh long ruột trắng. Với mức giá này, các nhà vườn lãi trung bình khoảng 10.000 đồng/kg.

Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu gần 10 tỷ USD nông sản từ Việt Nam. Riêng rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ngay sau khi thị trường này mở cửa, hàng loạt nông sản thế mạnh của nông sản Việt được doanh nghiệp tập trung thu mua để xuất khẩu.

Hiện nông sản xuất sang Trung Quốc đang được doanh nghiệp thu mua đạt từ 30 - 50% so với trước đó. Kế hoạch thu mua nông sản hết công xuất nhà máy đang được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch. Dự kiến khoảng cuối tháng 2, khi vào mùa vụ mới, việc thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ nhộn nhịp.

b96217c909394e19f58ec1c4d56e495a-1676085900.jpg

Nông dân đang thu hái thanh long. Ảnh minh họa

Cần tuân thủ nghiêm quy định xuất khẩu chính ngạch

Trung Quốc là thị trường tiềm năng, chiếm hơn 19% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trong tháng 1, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai đã đạt gần 82 triệu USD, trong đó gần một nửa là nông sản với giá trị 33 triệu USD. Tuy nhiên, trong niềm vui của nông dân, doanh nghiệp cũng đặt ra nhiều thách thức nếu chúng ta không giữ chữ tín và tuân thủ các quy định xuất khẩu chính ngạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niềm vui tăng giá cũng là cái bẫy nếu các quy định không được tuân thủ nghiêm ngặt. Xuất khẩu nông sản chính ngạch đòi hỏi doanh nghiệp và nông dân cần chuẩn hóa từ đầu cung, ở các vùng nguyên liệu, không chỉ là chuyển cách thức thương mại ở cửa khẩu…

Trong bối cảnh tăng giá, hiện sản xuất trái cây ở 2 khu vực là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa có sự điều tiết về diện tích, sản lượng phù hợp. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập 2 văn phòng để quản lý, điều phối các mặt hàng nông sản tại đây.

Sau khi có thông tin Trung Quốc thu mua trở lại nông sản Việt Nam, hiện giá các loại nông sản đã tăng lên gấp nhiều lần. Thậm chí, giá nhiều nông sản đã tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý, để xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải có mã số vùng trồng. Vì vậy, người dân cần nhanh chóng đăng ký mã vùng trồng để xuất khẩu trở lại thị trường này.

Bắt đầu từ năm 2022, Trung Quốc siết chặt quy định xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Cụ thể, phía Trung Quốc sẽ thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng giảm hàm lượng thuốc bảo vệ gần ngang bằng với các nước phát triển. Cùng với đó, nước này cũng quy định về truy xuất được nguồn gốc, mã vùng trồng.

Với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản, nhất là rau quả sang Trung Quốc tấp nập trở lại, ngay trong tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường này đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cũng kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả Việt Nam, việc còn lại nằm ở nông dân và doanh nghiệp làm sao nắm vững, cập nhật đầy đủ và tuân thủ những yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu.

Thi Nguyên (t/h)