Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, hiện nay, tổng diện tích trồng sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện khoảng 30 ha. Diện tích trồng sâm Nam núi Dành chủ yếu tập trung tại các xã: Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến của huyện Tân Yên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sâm này cho doanh thu khoảng 5 tỷ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm; trà hoa sâm khô 700 nghìn đồng/kg; cây sâm Nam giống có giá dao động từ 15 - 25 nghìn đồng/gốc.
Năm 2021, sản phẩm sâm Nam núi Dành khô được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Qua đó, khẳng định thương hiệu, góp phần quảng bá, bảo vệ giống sâm quý, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sâm núi Dành thuộc dạng dây leo, dễ khai thác, lại là loài quý hiếm, chính vì vậy hơn 40 năm (từ những năm 1970 đến 2010) sâm núi Dành gần như bị tuyệt diệt. Năm 2010, tại vườn của cụ Thân Văn Thành, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập còn sót lại một gốc sâm đã trồng trên 60 năm. Cơ duyên sự tồn tại của gốc sâm này là: Cụ Thành có bà mẹ vợ giỏi nghề thuốc Nam, biết rõ giá trị của cây sâm núi Dành. Ngày đó con cái cụ Thành thường hay bị sài đẹn, mẹ vợ cụ lên núi Dành, tìm được một gốc sâm, rồi trồng tại vườn nhà cụ để làm thuốc, sử dụng cho mọi người trong gia đình...
Sâm núi Dành chứa chủ yếu nhóm chất saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa) acid hữu cơ, acid amin. Hàm lượng saponin của sâm núi dành tương đương sâm Hàn Quốc, chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh – loài sâm quý hiếm và chất lượng nhất thế giới.
Ngoài ra, trà hoa sâm Nam núi Dành có công dụng mát gan, tiêu độc, giải nhiệt, tiêu hóa, an thần chữa mất ngủ. Ngoài ra, hoa sâm còn được sử dụng làm thang trong các bài thuốc đông y. Chất Saponin trong củ sâm Nam núi Dành có tác dụng cung cấp hoạt chất bồi bổ cơ thể như axit amin, khoáng chất, dầu thơm…giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngừa lão hóa, chống o xy hóa, chữa ho, long đờm, hạ nhiệt giảm sốt, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất, chống viêm, kháng khuẩn, ức chế vi rút và một số tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.
Hàng năm, sâm nam núi Dành ra hoa, tạo hạt vào khoảng cuối tháng 8 đến tháng 10. Hoa sâm tươi được sấy khô làm trà. Ngoài ra, hoa sâm có thể ăn sống, nấu chín thành những món ăn rất bổ dưỡng.Mỗi ha sâm 2 tuổi trở lên sẽ cho 3-4 tấn hoa tươi với giá bán 50 triệu đồng/tấn, thu nhập 150-200 triệu đồng/năm. Hoa sấy khô làm trà có giá khoảng 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg.