Quảng cáo #128

Trồng dâu nuôi tằm - hướng đi mới tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh

Những năm gần đây, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đã chuyển những diện tích đất hoang hóa sang để trồng dâu nuôi tằm. Đây là hướng đi mới với kỳ vọng giúp người dân phát triển kinh tế.
z5950131432519-e976cc3f3e2b4cac4e6bb489e95efe8e-1734616983.jpg
Trồng dâu nuôi tằm - Hướng đi mới của nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.

Phát huy nguồn quỹ đất

Trồng dâu nuôi tằm là một nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Nghề trồng dâu, nuôi tằm có nhiều ưu điểm như: mức đầu tư không nhiều, nhanh có thu nhập và hiệu quả kinh tế cao, tạo được việc làm cho lao động ở mọi lứa tuổi. Hơn nữa, cây dâu là loại cây không kén đất nên không tranh chấp diện tích với cây trồng khác và phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau. Chỉ sau 4 - 6 tháng trồng, dâu có thể cho thu hoạch lá và một lần trồng có thể cho thu hoạch liên tục từ 15 - 20 năm. 

Tại vùng đất nghèo xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), anh Nguyễn Ngọc Tấn đã biến mảnh đất cằn cỗi, chịu nhiều thiên tai thành vườn dâu tằm xanh mướt để nuôi tằm.

Anh Tấn cho biết: Trước khi bắt tay vào làm, tôi đã đến các địa phương của tỉnh Nghệ An như: huyện Diễn Châu, Quỳ Hợp,… để tìm hiểu về nghề trồng dâu nuôi tằm.

Sau khi tìm hiểu, tháng 9/2019, trở về quê với vốn kỹ thuật đã được tích lũy, anh Tấn thành lập HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn. HTX có 7 thành viên tham gia và bắt tay ngay vào quy hoạch lại vùng sản xuất với quy mô 20ha. Gộp diện tích trồng dâu và xây dựng nhà ươm nuôi, sản xuất kén tằm.

z5950131442940-e07ad04a39b503dc02ca7514bb67eadd-1734617022.jpg
Những vùng đất sản xuất kém hiệu quả ở một số địa phương ở Hà Tĩnh được chuyển sang trồng dâu nuôi tằm.

Tại xã An Dũng (huyện Đức Thọ) là địa phương thuần nông, ngoài trồng lúa, người dân nơi đây đã tận dụng đất vườn trồng các loại cây ngắn ngày như khoai lang, sắn và nhiều loại cây màu khác. Tuy nhiên, do sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Những năm gần đây, người dân tìm hiểu và đã chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm.

Anh Nguyễn Công Chính (thôn Tân Tiến, xã An Dũng, huyện Đức Thọ) là người đầu tiên tại địa phương trồng dâu nuôi tằm. Năm 2021, anh quyết định cải tạo vườn và chuyển diện tích hơn 8 sào từng trồng khoai và sắn sang trồng dâu để nuôi tằm.

Anh Nguyễn Công Chính chia sẻ: Tôi từng trồng dâu nuôi tằm nhiều năm ở tỉnh Lâm Đồng nên sau khi về quê tôi quyết định chuyển đổi diện tích đất của gia đình sang trồng dâu để nuôi tằm. Cây dâu chỉ trồng một lần và cho thu hoạch trong nhiều năm vì đây là loại cây trồng có đặc điểm tái sinh mạnh, cho năng suất ổn định.

Ngoài diện tích trồng dâu, tôi đã đầu tư lắp đặt giá đỡ và né để nuôi tằm. Bước đầu nuôi, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, do thời tiết khí hậu tại Hà Tĩnh khắc nghiệt hơn nên số lượng kén thu được không nhiều. Nhưng sau đó, tôi vừa nuôi vừa quan sát, rút kinh nghiệm nên những lứa tằm sau đều cho sản lượng kén cao hơn.

Nhận thấy hiệu quả của việc trồng dâu nuôi tằm của anh Chính, hiện nay, nhiều hộ dân tại xã An Dũng cũng đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm và đã cho những hiệu quả khả quan.

Tại huyện Hương Sơn, với quyết tâm mở rộng đối tượng sản xuất là nuôi tằm, tháng 9/2022, HTX Cường Nga đã đưa cây dâu lai về trồng trên diện tích 3ha tại xã Quang Diệm. Mặc dù mới trồng thử nhưng năng suất dâu lá đạt trên 10 tấn/ha.

Đối với việc trồng dâu, theo Phòng NN&PTNT huyện, hiện trên thị trường có khá nhiều loại phù hợp như GQ2, VH15, S7, S7 CP… Những loại này rất dễ trồng, chỉ sau 6 tháng là có thể thu hoạch, năm thứ 2 năng suất lá dâu có thể đạt 15 - 20 tấn/ha, năm thứ 3 trở đi có thể đạt 35 - 40 tấn/ha. Trừ tất cả chi phí, mỗi ha dâu có thể mang lại thu nhập 100 - 120 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác.

Vực dậy nghề nuôi tằm

z5844992389424-812aa206aeb8cb4db4c147575aebef20-3805-1734616983.jpg
Những năm gần đây, nghề nuôi tằm được vực dậy ở một số địa phương ở Hà Tĩnh.

Tằm là loài rất dễ nuôi, nhanh cho thu lợi, thu nhập thường xuyên trong năm, ít rủi ro. Đặc biệt, ngoài kén tằm là sản phẩm chính, nghề nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như: nhộng tằm, phân bón cho cây cảnh,...

Lâu nay, trồng dâu, nuôi tằm được biết đến là nghề rất vất vả được ví như trong câu tục ngữ “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Nhưng với HTX Trồng dâu nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp cho việc trồng dâu nuôi tằm không còn vất vả như trước đây.

Đồng thời với việc trồng dâu, HTX Việt Tấn đã liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương hỗ trợ về giống, kỹ thuật trong những năm đầu. Nhờ sự hỗ trợ của Viện tằm tơ hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, cũng như chịu khó tìm tòi, khắc phục khó khăn mọi thứ dần đi vào ổn định.

img-1351-kr0gudjgaeuxk7mw-1734616956.jpg
Người dân kiểm tra tằm nuôi của gia đình.

Trong quá trình nuôi, từ thức ăn cho tằm là lá dâu và cũng được chọn lựa cẩn thận, kĩ lưỡng; chỉ cho tằm ăn lá dâu sạch sẽ, khô ráo, đảm bảo độ tươi ngon dinh dưỡng tốt nhất. Đặc biệt, giai đoạn trứng tằm, sau khi ấp nở được đưa vào một khu vực nuôi riêng với những tiêu chuẩn về môi trường khắt khe. Ở giai đoạn này thức ăn phải thái thành từng sợi mảnh và luôn đảm bảo độ tươi. Tằm hết độ tuổi 1, không cần phải thái lá dâu thành sợi mảnh nữa mà sử dụng máy cắt để thái lá to hơn.

Từ độ tuổi thứ 2 trở đi, tằm ăn rất nhiều lá dâu (giai đoạn "tằm ăn rỗi") nên phải liên tục bổ sung thức ăn cho tằm cả ngày đêm. Một điều quan trọng nữa đó là phải vệ sinh sạch sẽ khu nuôi, cho ăn đều đặn đồng thời phải sát sao trong quá trình nuôi để sớm phát hiện tằm có bị bệnh hay không để kịp thời xử lý.

Để nâng cao hiệu quả khi nuôi tằm, năm 2020, HTX Việt Tấn đã mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà ươm và nuôi tằm hiện đại với hệ thống điều hòa kín tối ưu hóa môi trường cho tằm phát triển. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi như trồng cây dâu giống cao sản thay thế cho giống cũ năng suất kém, đưa máy móc hiện đại vào quy trình làm đất, làm cỏ, máy thái dâu, lắp đặt hệ thống quạt thông gió, sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, máy phun sương tạo độ ẩm, chuyển từ né tre sang né gỗ vuông, nuôi sàn xi măng, mua giống tằm ngoại,....

Tằm được nuôi trong môi trường có điều hòa nhiệt độ, tránh được bất lợi do thời tiết mang lại. Từ đó tằm sinh trưởng phát triển tốt, giúp rút ngắn thời gian cắm né, kén thu được đảm bảo chất lượng và năng suất. Mô hình giúp tăng năng suất 2 tấn kén/ha/năm, mang lại lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.

sudungdaothaidauchotam-1734616964.jpg
Trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân.

Việc áp dụng kỹ thuật đảm bảo sản phẩm sợi tơ tạo ra dai, bóng mịn đáp ứng mọi nhu cầu khắt khe của thị trường, góp phần đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Hiện nay, Công ty cổ phần dâu tằm tơ tại Yên Bái và các nhà máy ươm tơ tự động đã ký kết hợp đồng thu mua kén tằm của HTX Việt Tấn.

Anh Nguyễn Ngọc Tấn - Giám đốc HTX Việt Tấn cho biết: Khi mới bắt đầu nuôi, chúng tôi đã nuôi tằm theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế có nhưng chưa được cao. Từ sau khi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là việc nuôi tằm trong nhà kín sử dụng máy điều hòa và máy tạo ẩm thì thấy sản phẩm đạt sản lượng và chất lượng cao, giá trị kinh tế mang lại cao hơn hẳn, con tằm ít dịch bệnh, kén tốt. Hiện tại tất cả sản phẩm kén tằm của HTX sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, đầu ra ổn định.

Đối với HTX Cường Nga (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), nuôi tằm là một nghề mới. Nhưng HTX ở đã làm chủ quy trình nuôi với các giống tằm chính trên thị trường.

Sau nhiều chuyến tham quan học hỏi mô hình nuôi tằm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, cuối năm 2023, HTX Cường Nga bắt đầu nhập trứng tằm từ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ (quận Long Biên - Hà Nội) về nuôi thử. Thời điểm đó, HTX "đánh liều" với mục tiêu, nếu quá trình nuôi thử nghiệm thành công sẽ giúp bà con nhân dân có thêm nghề mới để phát triển kinh tế, đặc biệt là đưa cây dâu về trồng để lấy lá làm thức ăn cho tằm nhằm thay thế các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp tại những vùng đất ven sông, ven suối, đất đồi trồng keo, tràm ở vị trí thấp trũng.

Để phục vụ công tác nuôi tằm, HTX Cường Nga đã lắp đặt máy điều hòa, giá đỡ... Tháng 3/2024, HTX bắt đầu tiến hành thả nuôi 2 hộp tằm/tháng, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm nên sản lượng kén tằm thu về thấp, không như mong muốn.

Không nản chí, anh Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc HTX Cường Nga tiếp tục hành trình học nghề. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, từ tháng 6/2024 đến nay, HTX Cường Nga đã làm chủ quy trình nuôi tằm con và tằm lớn với các giống tằm chính: VH 2020 và tằm lưỡng hệ Trung Quốc. Đặc biệt là mới nuôi nhưng 12 hộp tằm (mỗi hộp 100gam) do HTX Cường Nga sản xuất, bán ra thị trường thu về 86 triệu đồng. Đến nay, HTX Cường Nga đã đạt mục tiêu "kép" từ trồng dâu và nuôi tằm.

Hiệu quả kép

img-1334-e0pf2y9t-uq6ntzj-1734617116.jpg
Nuôi tằm đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.

Đến nay, ngoài 7 thành viên HTX trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thời vụ tại địa phương.

Nhờ thay đổi các tập quán cũ lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất HTX nông nghiệp trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn đã mang lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng mới trong việc khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tạo thêm những sản phẩm mới (kén, tơ), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Anh Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc HTX Cường Nga chia sẻ: Nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo của người nuôi. Vất vả nhất là trong 3 ngày tằm ăn rỗi, nhân công phải thường xuyên theo dõi. Thế nhưng, bù lại, nuôi tằm cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp truyền thống (trồng lúa, ngô).

Để giúp người dân tại xã An Dũng phát triển nghề nuôi tằm anh Chính đã đứng ra hướng dẫn kỹ thuật và cung ứng con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Kén tơ  được nhập cho các thương lái tại huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An với mức giá 170 - 180 ngàn đồng/kg.  Trung bình mỗi năm, anh nuôi khoảng 10 lứa tằm trên diện tích sàn 40 m2, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 100 - 120 triệu đồng/năm. Ngoài sản lượng kén tằm của gia đình, anh còn thu mua kén cho bà con trong xã. Từ đầu năm đến nay, anh đã thu mua được hơn 1,5 tấn kén mang lại doanh thu cho bà con trong thôn gần 270 triệu đồng.

Bà Trần Thị Hiền (thôn Tân Tiến, xã An Dũng) cho biết: Đến nay, tôi đã nuôi được 6 lứa tằm. Hiện tại lứa tằm thứ 7 đang thu hoạch được gần 70kg kén. Từ nay đến hết năm gia đình tôi còn có kế hoạch nuôi 3 lứa nữa và dự kiến năm nay với 10 lứa tằm thu gần 7 tạ kén, tính ra mỗi tháng sẽ có thu nhâp đều đặn từ 10 - 12 triệu đồng. Đồng thời, tận dụng được phân tằm bón cho dâu và cây trồng khác, tiết kiệm được phần nào chi phí sản xuất.

anhnguyenngoctanchotaman-1734616940.jpg

Theo đánh giá của người nuôi tằm, một hộp tằm con (trọng lượng 100 gam) nuôi trong khoảng thời gian 15 ngày sẽ hết khoảng 800 kg lá dâu nhưng có thể cho ra 45 - 50 kg kén. Giá trên thị trường là 160 - 180.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng người dân có thể thu về 13 - 15 triệu đồng.

Sự thành công bước đầu của các HTX, hộ dân trong việc trồng dâu nuôi tằm tại Hà Tĩnh mở ra nhiều cơ hội đổi đời với người dân tại đây trong việc tập trung mở rộng diện tích trồng dâu và nuôi tằm, đặc biệt là việc trồng dâu làm thức ăn cho con tằm. Để khuyến khích bà con Nhân dân trồng dâu, nuôi tằm, các HTX đã có một số chính sách hỗ trợ ban đầu, đồng thời giúp người dân lựa chọn hướng đi phù hợp. Theo đó, đối với trồng dâu, HTX đảm nhận cung cấp toàn bộ dâu giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dưỡng dâu; hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cho đến khi thành công.

HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra theo giá thị trường (theo từng thời điểm). Người dân chỉ cần đối ứng phân chuồng, công chăm sóc. Đối với nuôi tằm, HTX đảm nhận nuôi tằm con từ 1 - 2 tuổi (giai đoạn này đòi hỏi kỹ thuật cao). Từ 4 - 5 tuổi sẽ chuyển giao quy trình nuôi cho người dân. Quá trình nuôi sẽ được các cộng sự, thành viên HTX tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Sau 2 tuần cho ra kén, HTX sẽ thu mua lại theo giá thị trường.

z5844992699126-42bd5962043dd0d098cc2f580ed72980-8268-1734618274.jpg
Tằm được nuôi trong nhà kín, làm nhiều tầng, có điều hòa nên phát triển tốt, cho năng suất hơn so với cách nuôi truyền thống.

Anh Cường - HTX Cường Nga chia sẻ: Đến thời điểm hiện tại, HTX Cường Nga cũng đã xây dựng được mối liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ đứng chân tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nên đầu ra đảm bảo. Cũng vì lẽ đó, HTX Cường Nga mong muốn người dân ở các địa phương Hương Sơn nắm bắt cơ hội để chuyển đổi mô hình nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã xuất hiện khá lâu ở các địa phương như Tân Mỹ Hà, An Hòa Thịnh nhưng mất dần trong những năm gần đây. Vì vậy, việc HTX Cường Nga triển khai trồng dâu và nuôi tằm thành công là điều đáng mừng. Huyện Hương Sơn rất ủng hộ vì nghề này đòi hỏi phải có diện tích lớn để trồng dâu làm thức ăn cho con tằm. Trong khi đó, cây dâu lai lại rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều địa phương ở Hương Sơn, đặc biệt là tại những vùng đất hoang hóa, đất ven sông, ven đồi./.

Nguyễn Duyên