Trồng cây dong riềng thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao?

Dong riềng là loại cây dễ tính có khả năng thích ứng rộng, trồng được trên nhiều loại đất, có khả năng chống chịu với khô và nóng, chịu rét tốt nên thích hợp cả vùng núi cao.
dong-rieng-1696412738.jpg
Cây dong riềng vừa dễ trồng còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa

Cây dong riềng có nơi còn gọi là đao riềng rất dễ trồng, không kén đất, có thể tận dụng tất cả những diện tích đất đồi, soi bãi. Ngoài ra, trên diện tích cây đao riềng vẫn có thể xen canh thêm 1 vụ ngô hoặc đậu tương. Dong riềng là cây thân thảo có chiều cao từ 1 – 1,5m. Toàn thân và củ có màu tím, hoa màu đỏ. Lá có hình phiến thuôn dài, các gân song song và hiện rõ trên mặt lá. Hoa mọc thành cụm và quả nang. Cây có thời gian sinh trưởng từ 10 đến 12 tháng.

Với chi phí đầu tư thấp và phù hợp với điều kiện đầu tư của hộ, cho thu nhập cao và giải quyết được lao động lúc nông nhàn nên được bà con nông dân lựa chọn trồng và chăm sóc. Để thâm canh cây dong riềng đạt năng suất chất lượng cao, bà con cần chú ý yêu cầu kỹ thuật sau:

Về thời vụ và cách trồng: Dong riềng trồng chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch, thích hợp nhất là tháng 2. Dong riềng trồng bằng củ. Để cây phát triển tốt cần chọn những củ giống đồng đều, không bị trầy xước và sạch bệnh. Cây phát triển củ theo chiều ngang, rễ ăn sâu nên khi làm đất phải cày sâu từ 15 - 20 cm, nhặt sạch cỏ. 

Đối với vùng đồi núi, đào hố trồng đường kính khoảng 20 cm, sâu khoảng 20 - 25 cm… Sau khi làm đất xong, bón lót lần 1 từ 300 - 500 kg phân chuồng, 15 - 20 kg lân cho 1 sào Bắc bộ (360 m2), phủ một lớp đất mỏng rồi đặt củ giống lên trên (củ cách củ 40 - 45 cm, hàng cách hàng 45 - 50 cm). Xoay mầm củ hướng lên trên, bón lót lần 2 (3 - 4 kg phân đạm, 3 - 4 kg kali, bón ở khoảng cách giữa 2 củ) rồi lấp đất, phủ rơm rạ trên mặt luống để giữ ẩm.

Để dong riềng sinh trưởng tốt cần bón thúc cho cây. Bón vào giữa 2 khóm, không bón trực tiếp vào gốc. Để cây không bị đổ, gẫy, cần phải vun gốc. Mỗi lần vun xới xong nếu có mùn rác mục hoặc trấu thì phủ vào gốc cây giúp cho củ to và năng suất cao.

Bên cạnh đó, dong riềng ít bị sâu bệnh, chủ yếu là bị sâu xanh, sâu khoang, bọ nẹt nên chỉ cần loại bỏ bằng phương pháp thủ công, không tốn kém.

Thời gian thu hoạch tốt nhất vào cuối tháng 11 và tháng 12 dương lịch, khi lá dong bắt đầu khô rạc, củ dong có hàm lượng bột cao tiến hành khai thác phục vụ cho chế biến tinh bột (không thu hoạch muộn hơn vì củ đao sẽ tự giảm bột, trừ diện tích đao được xác định làm giống thì khai thác muộn hơn để có giống cho trồng vụ sau).

Hương Lan