Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du (Kỳ 10): Biển nghìn thu ở lại...

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
images1495945-trinh-cong-son-1-1653378955.jpg
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có người, có mẩu chuyện có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết "Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du" nhằm cung cấp thêm thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…

Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

***

Kỳ 10: Biển nghìn thu ở lại...

"Biển đánh bờ,

Xôn xao bờ đánh biển

Đừng đánh nhau ... Ơi biển sẽ tàn phai

Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát

Biển là em ngọt đắng trùng khơi

Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi…"

Các ca khúc Sương đêm, Sao chiều, Chơi vơi được Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông mới 17 tuổi (ông sinh năm 1939). Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên là ca khúc Ướt mi, ông viết vào năm 1958 và mãi sau ông mới nhờ ca sĩ Thanh Thúy (sinh 1943) hát, khi đó mới nhiều công chúng yêu nhạc biết đến ca khúc này. Còn tác phẩm cuối cùng của Trịnh Công Sơn là gì? Đó là ca khúc Biển nghìn thu ở lại, chỉ có 6 dòng, được Trịnh Công Sơn viết trên giường bệnh. 

Năm 2001, ca khúc "Biển nghìn thu ở lại" được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ký tặng cho ca sĩ Quang Dũng. Đó cũng là năm người nhạc sĩ tài hoa rời cõi tạm để về với cát bụi. Sau đó, ca sĩ Quang Dũng đã chọn "Biển nghìn thu ở lại" làm ca khúc chủ đề cho album đầu tay của mình.

"Biển đánh bờ,

Xôn xao bờ đánh biển

Đừng đánh nhau ... Ơi biển sẽ tàn phai

Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát

Biển là em ngọt đắng trùng khơi"

Ông Nguyễn Thanh Ty, bạn học ở trường sư phạm Qui Nhơn, rồi trọ cùng phòng, cùng dạy ở Bảo Lộc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể lại: "Ở hải ngoại có hai luồng dư luận trái chiều, một luồng rất là tôn sùng Trịnh Công Sơn, mỗi năm đến kỳ đều tổ chức hát nhạc Trịnh Công Sơn. Một luồng thứ hai là chống nhạc Trịnh Công Sơn, không hát không ca, thì tôi không nằm trong hai cái đó. Tôi chỉ nói là Trịnh Công Sơn có tài về âm nhạc, còn Trịnh Công Sơn đi, rẽ nơi nào đó là con đường của Trịnh Công Sơn, không nên bàn, không đem hai cái đó nhập lại để mà phê phán, tôi không làm chuyện đó. Trong cuốn Về một quãng đời Trịnh Công Sơn đó, tôi nói một câu như thế này: Ông Sơn à, dù gì đi nữa thì chúng tôi vẫn yêu ông như ngày nào của một chàng nghệ sĩ “nhất y nhất quỡn”.

"Những hẹn hò từ nay khép lại

Thân nhẹ nhàng như mây…

Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời

Như một lời chia tay…"

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong một gia đình gốc Huế. Lên 4 tuổi, gia đình sống tại Bến Ngự, một vùng đất xanh tươi, bên dòng An Cựu, nơi có nhiều chùa chiền, lăng tẩm. Tiếng chuông chùa và lời cầu kinh thấm vào hồn ông từ tuổi thơ nên ca từ của ông về sau mang đậm dấu ấn Thiền, Phật và giàu chất Huế. Lên trung học, Trịnh Công Sơn học ở Huế, và tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Sài Gòn. Ông là một trong những trí thức thấm nhuần nền văn minh Pháp ngay từ khi còn rất trẻ.

Năm 1955, lúc 15 tuổi, cha ông bị tai nạn giao thông qua đời. Cái chết đột ngột thảm khốc của người cha là cú sốc đầu đời, ám ảnh ông thường trực. Từ đấy, Trịnh Công Sơn luôn suy nghĩ về sự sống và cái chết.

Năm 1957, lúc 18 tuổi, một tai nạn bất ngờ đã thay đổi cuộc đời Trịnh Công Sơn. Khi đang tập Judo, ông bị thương nặng ở ngực, suýt chết và phải nằm liệt giường gần 2 năm tại Huế. Không ngờ thời gian nằm dưỡng bệnh này ông luôn suy nghĩ về kiếp người, cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên. Trịnh Công Sơn quyết định chơi đàn guitar và bắt đầu sáng tác. Những ca khúc đầu tiên mang tên “Sương đêm” và “Chơi vơi” đều chưa ấn hành.

Những năm 1962-1964, chiến tranh Việt Nam ngày càng tàn khốc, thanh niên hầu hết đều bị bắt đi lính. Để hoãn quân dịch, Trịnh Công Sơn rời Huế thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn.

Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, ông được điều lên Bảo Lộc dạy học. Thời gian này, cuộc chiến ở Việt Nam đã trở nên ác liệt. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát về thân phận con người trong chiến tranh.

Năm 1965 tại Đà Lạt tình cờ Trịnh Công Sơn nghe Khánh Ly hát trong hộp đêm Tulipe Rouge. Ông biết giọng hát của bà phù hợp với những bản nhạc của mình nên mời bà tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt và theo ông xuống Sài Gòn. Từ đó bà đã trở thành “Ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn”.

ezgifcom-gif-maker-1-1653379230.jpg
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly

Năm 1969, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn nổi tiếng khắp thế giới, ông được xem là một Bob Dylan của Việt Nam. Năm 1970, bài “Diễm xưa” được vào chung kết cuộc thi các bài hát nước ngoài ở Nhật, bài “Ngủ đi con” chiếm “đĩa vàng” và đã phát hành trên 2 triệu đĩa. Trịnh Công Sơn từ đó ghi dấu ấn tài hoa âm nhạc trên thế giới. 

Tháng 4/1975, chiến tranh chấm dứt, ông là người đầu tiên lên Đài Phát thanh Sài Gòn hát vang bài “Nối vòng tay lớn” được ông viết từ năm 1968, một bài hát nói lên niềm khao khát hòa bình, thống nhất. Ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam - Bắc.

Ngày 30/4 người thân ông ra đi, bạn bè ông ra đi còn ông ở lại, bởi vì đó là ngày ông luôn ước áo được nhìn thấy: Ngày hòa bình thống nhất trên quê hương. Và ngày 01/4/2001, Trịnh Công Sơn qua đời, “con chim nhỏ hát chơi trên đầu ngọn lau” không còn nữa, vết chim hạc để lại trên cõi trần đúng 62 năm.

Sinh thời, Trịnh Công Sơn từng hỏi: Ngày sau còn ai nhắc tên mình không? (“Dã tràng ca”). Câu hỏi đầy chất tâm linh của Trịnh Công Sơn mãi mãi là nỗi băn khoăn của nhân loại. Và có lẽ Trịnh Công Sơn cũng không ngờ, ngày ông mất người đời đã trao cho ông định mệnh ấy: "Sự bất tử" - tài danh của ông luôn còn mãi. 

"Biển đánh bờ,

Xôn xao bờ đánh biển

Đừng đánh nhau ... Ơi biển sẽ tàn phai

Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát

Biển là em ngọt đắng trùng khơi"

HẾT

***

Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc (TP.HCM).

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty (Hoa Kỳ).

TS triết học Thái Kim Lan (Cộng hòa Liên bang Đức).

Trần Thanh Hưng