Theo PGS.TS. Đào Việt Hằng - Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cho biết, trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong y tế, giúp tầm soát các bệnh lý dễ dàng hơn. Ngoài phim chụp X-quang, nhiều bệnh viện đã có các phần mềm tích hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện chẩn đoán ung thư gan trên CT-Scaner hoặc cộng hưởng từ (như chẩn đoán giai đoạn của ung thư trực tràng). Ở lĩnh vực về nội soi và giải phẫu bệnh cũng có nhiều sản phẩm giúp chẩn đoán và giảm thiểu sai sót tổn thương tốt hơn.
Bên cạnh đó là việc sử dụng các smartphone app cho người bệnh hiện đã có một số ứng dụng dành cho bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp, các bệnh nhân viêm gan B… Hoặc trong lĩnh vực tiêu hóa, AI đã giúp nhắc nhở người bệnh uống thuốc, đưa ra các bộ câu hỏi để phân tầng nguy cơ cho bệnh nhân, tìm các dấu hiệu cảnh báo khi người bệnh có các nguy cơ biến chứng. Từ đó tạo ra kênh kết nối để người bệnh tìm đến cơ sở y tế hoặc các bác sĩ sớm hơn.
Theo Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú, thời gian qua, chuyển đổi số và ứng dụng AI trong y tế không chỉ giúp tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị, và quản lý y tế, mà còn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân. Đặc biệt, trong Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024, đã có hơn 1.000.000 người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI).
Một trong những vấn đề được đặt ra là làm thế nào để tận dụng hiệu quả công nghệ AI trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức y tế và doanh nghiệp công nghệ để triển khai các dự án AI một cách đồng bộ và bền vững. AI không thể thay thế hoàn toàn con người, nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực nếu đội ngũ y tế được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để sử dụng./.