Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết: “Bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin mạng không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ số hóa. Đây cũng chính là lý do của buổi hội thảo, được tổ chức chức nhằm cung cấp kiến thức về an toàn an ninh mạng và các giải pháp bảo vệ dữ liệu cho các doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số”.
Tại Hội thảo, trong phiên thảo luận với chủ đề “Áp dụng AI trong thời kỳ số hoá - Truyền thông” thành công thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu trong nghành bao gồm: GS. Nguyễn Đức An - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa & Xã hội (Trường ĐH Văn Lang), ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam và ông Trần Quý - Viện Trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam đã có những chia sẻ sâu sắc về sự phát triển của AI trên toàn cầu và ảnh hưởng của AI đến ngành truyền thông tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách áp dụng công nghệ tiên tiến này để tối ưu hóa hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Khi thách thức từ các mối đe dọa an ninh mạng tiếp tục gia tăng, sự tiến bộ nhanh chóng của AI mang đến cả các cơ hội lẫn rủi ro. AI có khả năng nâng cao biện pháp bảo mật bằng cách cho phép phát hiện và phản ứng đối với các mối đe dọa tiên tiến. Tuy nhiên, nó cũng mở ra những cánh cửa mới cho các cuộc tấn công thể khai thác lỗ hổng trong thuật toán AI hoặc tận dụng các công nghệ được hỗ trợ bởi AI để truy cập trái phép thông tin nhạy cảm”, GS. Nguyễn Đức An chia sẻ.
“Mối đe dọa lớn nhất là các hacker sử dụng AI để tạo ra các cuộc tấn công tinh vi hơn. Tạo ra các phần mềm độc hại, dò quét và phát hiện những lỗ hổng để từ đó vượt qua các phương pháp bảo vệ và tấn công vào hệ thống thông tin”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
“Do đó, cần tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin, ưu tiên các giải pháp giám sát, cảnh báo sớm; Thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, trong trường hợp phát hiện các nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu, cần lập tức triển khai các biện pháp khắc phục, đặc biệt là các hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân”, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết.
“Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các công trình trí tuệ nhân tạo để chống lại rủi ro về trí tuệ nhân tạo. Bởi lẽ AI được tạo ra bởi con người, là sản phẩm của tri thức, sẽ có những biến thể “AI tốt” và “AI xấu”. Do đó, có thể ngăn cản sự phát triển của trí tuệ nhân tạo bằng chính trí tuệ nhân tạo”, ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “An ninh mạng và bảo vệ doanh nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” cùng sự góp mặt của các diễn giả uy tín với nhiều năm kinh nghiệm đã mang đến những cái nhìn sâu sắc về việc bảo vệ dữ liệu trong thời kỳ AI bùng nổ cùng những chia sẻ về các mối đe dọa an ninh mới trong thời kỳ AI, từ việc bảo vệ dữ liệu đến việc ngăn chặn và đưa ra các giải pháp cho các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi.
Ông Võ Thanh Mỹ - Chủ tịch Chi hội Truyền thông số phía Nam (SVDCA) đã có những chia sẻ về vấn đề an ninh trong thời kỳ AI và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống bảo mật vững chắc ngay từ gốc rễ để đảm bảo sự an toàn cho doanh nghiệp. Sự tham gia thảo luận của ông Võ Thanh Mỹ tại hội thảo không chỉ cung cấp kiến thức về an ninh và bảo mật trong thời đại số mà bên cạnh đó cũng như một lời khẳng định của SVDCA về việc sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp phát triển trên con đường chuyển đổi số.
Hội thảo “An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo” đã khép lại với nhiều thành công, đồng thời đã cung cấp những kiến thức cũng như các giải pháp cho doanh nghiệp trong thời kỳ bùng nổ của AI. Với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu và lãnh đạo cấp cao. Hội thảo không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm kiếm đối tác chiến lược và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong nghành. Đây cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng và kết nối các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một nền công nghệ, truyền thông số an toàn và bền vững.
Sau thành công của hội thảo, SVDCA sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, từ việc tổ chức thêm các hội thảo chuyên sâu đến việc cung cấp các kiến thức và hướng dẫn thực tiễn với mục tiêu kế thừa và tiếp tục thực hiện sứ mệnh của VDCA về việc thúc đẩy các hoạt động kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp hội viên tại TP. Hồ Chí Minh và trên cả nước./.