Quảng Trị: Đẩy mạnh trồng cây xanh, phục hồi hệ sinh thái

Thời gian vừa qua, Quảng Trị đã và đang nỗ lực phục hồi hệ sinh thái tại địa phương với ưu tiên hàng đầu là trồng cây xanh, gây rừng lớn.

Tỉnh Quảng Trị đã tăng cường trồng cây xanh tại các khu vực rừng phòng hộ, rừng ngập mặn khôi phục các khu rừng đầu nguồn của địa phương. Trong năm 2021, tỉnh đã triển khai trồng mới hơn 43ha rừng ngập mặn tại các cửa sông Bến Hải, Thạch Hãn thuộc 5 xã của 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong.

Mỗi năm, tỉnh Quảng Trị trồng khoảng 8.000 ha rừng trồng mới tập trung, 2,5 - 3 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 50%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan...

Đến nay, Quảng Trị đã sản xuất trên 25 triệu cây giống lâm nghiệp đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung. Qua đó, góp phần đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt trên 1 triệu m3. Tính riêng trong năm 2021, có khoảng 23.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chiếm 17% loại rừng này trên cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 42.000ha rừng trồng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn FSC.

Mới đây, tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị), UBND huyện Cam Lộ và Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) cũng đã ký kết chương trình “Chiến dịch trồng cây xanh - Phục hồi hệ sinh thái” giai đoạn 5 năm 2022 - 2027, trong đó tập trung trồng 5,6 triệu cây quế và 4.100 cây bóng mát trên địa bàn huyện Cam Lộ, diện tích khoảng 700ha.

cac-dong-chi-lanh-dao-tinh-huyen-trong-cay-xanh-o-vung-dien-gio-1650592490.jpeg
Quảng Trị đẩy mạnh trồng cây xanh, phục hồi hệ sinh thái

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ - ông Trần Anh Tuấn cho biết, thời gian qua huyện đã triển khai trồng được trên 1.500ha rừng trồng sản xuất, trong đó có gần 300ha rừng trồng gỗ lớn và trên 15 vạn cây phân tán. Vì thế, chương trình chiến dịch trồng cây lần này là tín hiệu rất vui để địa phương tiếp tục góp phần vào việc bảo tồn hệ sinh thái, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ở huyện Cam Lộ, cây quế có nhiều công dụng, là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Nhận thấy hiệu quả của loại cây này, huyện đã linh hoạt, nắm bắt các cơ hội, các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài và vận động bà con tham gia chương trình trồng quế hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Hiện nay huyện đã trồng thử nghiệm được 36ha quế. Năm 2022, huyện sẽ tiến hành trồng mới 150ha, đến năm 2025 dự kiến sẽ trồng từ 700 - 1.200ha, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng 12.000ha quế. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo thu nhập ổn định cho bà con trên toàn địa bàn huyện.

“Để đạt được hiệu quả trong chương trình, chúng tôi sẽ chọn cây quế có giống chất lượng tốt để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Về cây bóng mát, sẽ chọn những loại cây như sao đen, sến trung, lát hoa, giáng hương, kèn hồng, hoa ban tím... Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, biểu dương khen thưởng những cá nhân, tổ chức điển hành làm tốt”, ông Tuấn cho biết thêm.

Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh thông qua các chương trình, dự án trồng rừng, trồng cây xanh, Quảng Trị cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ quyết tâm nâng độ che phủ rừng đạt 52%; thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng hiện có, trồng cây phủ khắp từ đô thị đến nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp.

Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng rừng, bảo vệ hiệu quả các diện tích rừng nguyên sinh; tiếp tục phục hồi và phát triển hệ sinh thái RNM, đảm bảo quỹ đất của các khu bảo tồn; thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp; tăng cường truy quét các điểm nóng về phá rừng...

Được biết, mỗi năm, tỉnh Quảng Trị trồng khoảng 8.000 ha rừng trồng mới tập trung, 2,5-3 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 50%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan..

Anh Vân (t/h)