Theo đó, lô nhãn được bán tại siêu thị thuộc Trung tâm thương mại CentralwOrld ở thủ đô Bangkok. Dự kiến khoảng 2,3 tấn nhãn Việt Nam sẽ được tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ Tops của Central Retail Thái Lan dịp này.
Nhãn Việt Nam trên kệ siêu thị Tops được bán với giá gốc là 259 Baht/500g, tức 518 Baht/kg, tương đương khoảng 350.000 đồng/kg. Sản phẩm đang được giảm giá còn khoảng 230.000 đồng/kg. Đây là loại nhãn được thu hoạch tại vùng trồng ở đồng bằng Sông Cửu Long theo tiêu chuẩn GlobalGAP và đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.
Theo Bộ Công Thương, trái nhãn hiện mới chỉ tiêu thụ nội địa là chủ yếu. Dù các sản phẩm nhãn Việt Nam đã được một số thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Đông... nhưng lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, đặc biệt với trái nhãn tươi. Kim ngạch xuất khẩu nhãn năm 2021 đạt 23,3 triệu USD; nhưng bước sang năm 2022 đạt 13,9 triệu USD, giảm tới 40,4%.
Niên vụ 2023, sản lượng nhãn ước đạt 110.000 tấn, việc xuất khẩu sản phẩm này được kì vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu của các thị trường phục hồi, hoạt động xúc tiến tiêu thụ đang được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.
Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đồng trong chủng loại sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, do đó khai thác thị trường này không phải là điều dễ dàng, đặc biệt đối với mặt hàng trái cây. Cùng với sầu riêng, dừa non và bưởi, nhãn là một trong những loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất của Thái Lan. Năm 2022, sản lượng nhãn của Thái Lan đạt 1,5 triệu tấn (số liệu Statista), là "vựa nhãn" lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Do vậy, trái nhãn Việt Nam bước đầu thâm nhập vào Thái Lan thông qua hệ thống phân phối hiện đại và được đón nhận bởi thị trường này cho thấy nỗ lực của các bên liên quan và tín hiệu tích cực về chẩt lượng sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu, không chỉ sang Thái mà còn sang nhiều thị trường khác.