Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường cho biết, trong 2 năm 2021-2022, TP.HCM có 47 dự án với hơn 28.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Các phân khúc thị trường chưa có sự đồng bộ, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ, bình dân. Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố.
Theo ông Cường, các phân khúc thị trường chưa có sự đồng bộ, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ, bình dân. Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Dự kiến trong năm 2023, thị trường bất động sản sẽ gặp không ít khó khăn, TP.HCM đang tập trung điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp.
Về nguyên nhân dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra một số nguyên nhân chính như các quy định pháp luật liên quan (Đầu tư, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đấu thầu…) có nhiều vướng mắc.
Bên cạnh đó, nhóm hồ sơ pháp lý của một số dự án trong thời điểm trước đây có nhiều nội dung cần phải rà soát lại để bảo đảm đúng quy định cũng gây mất nhiều thời gian, có một số trường hợp vượt thẩm quyền địa phương. Cùng với đó là nguyên nhân chủ quan khi có một số cán bộ sợ trách nhiệm trong xử lý các vấn đề tồn đọng.
Về giải pháp, thời gian tới TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo chung cư cũ. Hiện nay, Thành phố đang tập trung xây dựng 18 dự án nhà ở xã hội và cải tạo 16 dự án chung cư xuống cấp trong năm 2023. Thành phố đã phân loại khoảng 116 dự án bất động sản cần tháo gỡ, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.
Cùng với đó, Thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản vi phạm về xây dựng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản để tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia giao dịch.