TP.HCM: Kế hoạch sử dụng đất hằng năm đều bị chậm, đâu là giải pháp?

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho biết, Thành phố đã kiến nghị bỏ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai, do khâu chuẩn bị, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm gặp nhiều bất cập, vướng mắt, tốn nhiều thời gian và không hiệu quả.

Trong buổi giám sát việc thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của HĐND TP.HCM tại Sở TN-MT hôm 4/10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM nêu ý kiến nhận xét: “Căn cứ theo quy định thì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của năm nay sẽ phải được duyệt vào ngày 31/12 của năm trước. Tuy nhiên, đa phần kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và TP. Thủ Đức được duyệt vào quý II hoặc quý III hằng năm. Vấn đề này nhiều năm qua chưa khắc phục được và tình trạng chậm trễ ngày càng trầm trọng.”

Bà Vân cho rằng, xe lcần phải phân tích sâu, kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân mấu chốt vì các địa phương kiến nghị Sở TN-MT TP.HCM làm sớm trong khi sở lại cho rằng các quận, huyện chuyển kế hoạch sử dụng đất lên trễ nên kéo theo thẩm định và trình duyệt chậm.

“Đề nghị Sở TN-MT ngồi lại với các quận, huyện và Sở Tài chính để tìm ra giải pháp làm nhanh, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cạn dần mốc thời gian quy định. Năm nào cũng nói phê duyệt trễ thì không hay." - bà Nguyễn Thị Thanh Vân nhấn mạnh.

5-chot-anh-4-ba-nguyen-thi-thanh-van-16653272631911969210641-1-1665468778.jpg
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Vân phát biểu tại buổi giám sát, qua đó bà Vân đề nghị các đơn vị “ngồi lại với nhau” để tìm giải pháp.

Nhiều năm qua, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương trên địa bàn TP.HCM đều hoàn thành chậm. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án và quyền lợi người dân.

Nói về những khó khăn của địa phương, theo ông Kha Văn Phước, Trưởng Phòng TN-MT huyện Cần Giờ: “Quy trình, thủ tục tốn rất nhiều thời gian. Riêng khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất theo quy định, niêm yết công khai đã hết hai tháng rưỡi. Sau đó lấy ý kiến nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan ban ngành trên địa bàn kéo dài cả tháng chưa xong. Bên cạnh đó, các dự án về an ninh, quốc phòng, công trình trọng điểm, cấp bách của địa phương phải chờ cấp vốn mới đưa vào kế hoạch sử dụng đất.”

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, kế hoạch vốn hằng năm có 2 đợt, đầu năm và giữa năm nên các dự án đầu tư công phải chờ ghi vốn. Đây là một trong những lý do quận chậm trình kế hoạch sử dụng đất.

Nói về kế hoạch sử dụng đất hằng năm, đại diện Sở TN-MT TP.HCM cho biết, có 3 vấn đề tồn tại dẫn đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương trên địa bàn TP.HCM đều hoàn thành chậm: Thứ nhất là khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất. Ở khâu này liên quan đến tài chính nhưng nhiều khi đơn vị thực hiện lại không có chuyên môn. Đây là khâu các quận, huyện thường bị chậm nhất; Thứ hai, khi đã chọn được đơn vị tư vấn, một số địa phương phải thông qua Ban Thường vụ hoặc thông qua HĐND vì kế hoạch sử dụng hằng năm là cơ sở rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khâu này cũng chậm; Thứ ba, quá trình duyệt thì quận, huyện "năn nỉ" chờ cấp các dự án được vốn để đưa vào kế hoạch sử dụng đất.

Với những bất cập, vướng mắc như hiện nay, các khâu chuẩn bị và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm tốn nhiều thời gian, gần như không bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 năm trước như quy định…

Do đó, đại diện Sở TN-MT TP.HCM cho biết, thành phố đã kiến nghị bỏ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, kế hoạch sử dụng đất tạo ra "gánh nặng" công việc cho cán bộ và chỉ nên áp dụng với lĩnh vực đầu tư công.

Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng nhiều công cụ, trong đó quy hoạch mới là yếu tố định hướng các mục tiêu phát triển chứ không phải là kế hoạch sử dụng đất. Chỉ nên lập kế hoạch sử dụng đất đối với đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoặc để tạo quỹ đất để đưa ra đấu giá, đấu thầu…

Ngọc Thiên Kim