TP.HCM đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, hiện tại ngành logistics tại TP.HCM đang bộc lộ 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics thành phố, đó là hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực.
Đối với điểm nghẽn vấn đề hạ tầng giao thông, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hạ tầng giao thông của Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cụ thể, các tuyến đường vành đai kết nối các tỉnh, thành triển khai còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng phát triển. Đường bộ nhỏ hẹp, tải trọng hạn chế, quá nhiều giao lộ gây tắc nghẽn do xung đột luồng xe chạy, thiếu cầu có đủ trọng tải phù hợp giao thương hàng hoá; kết nối cảng với các khu chế xuất (KCN), nhà máy, tại các cảng biển cũng thường xuyên quá tải...
Trong khi đó, về vấn đề nguồn nhân lực, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện đang có gần 30.000 DN đang hoạt động đăng ký ngành logistics, trong đó số DN tại Thành phố chiếm 54%. Bình quân mỗi DN có 20 người và với tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm, các doanh nghiệp sẽ cần 8.400 - 10.000 lao động/năm. Tuy nhiên, thực tế đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng 30% nhu cầu này. Do đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho DN ngành logistics nói chung là rất cần thiết.
Ngoài ra, theo đại diện một số DN TP.HCM, ngành logistics của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn bị một điểm nghẽn khác là hạ tầng mềm chưa phát triển đồng bộ. Cụ thể là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số chưa phát triển, thiếu đồng bộ, chưa được quy hoạch lâu dài nên thường dễ gây hiệu ứng domino tắt nghẽn, phát sinh nhiều công đoạn thừa, làm chậm và gia tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp…
Tham dự và phát biểu ý kiến tại diễn đàn bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đã đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) Thành phố đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khơi thông nguồn lực logistics, trước mắt TP.HCM cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để phát huy được tổng hòa lợi ích của các tỉnh với nhau. Đặc biệt, muốn phát triển nguồn nhân lực về chất và lượng theo định hướng quốc tế, TP.HCM cần liên kết với các tỉnh, thành phố để cùng ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật (trí tuệ nhân tạo, di động, người máy và máy bay không người lái, blockchain, thực tế ảo tăng cường) vào phát triển ngành. Bởi đây là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển ngành logistics trên thế giới.