Cụ thế, trong quý IV/2022 và năm 2023, loạt dự án giao thông sẽ được bàn giao mặt bằng để thi công gồm cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, đường Lương Định Của (TP. Thủ Đức); cầu Vàm sát 2 (Cần Giờ); đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân); cải tạo đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hòa, (quận Tân Bình)
Ngoài ra, còn một số dự án xây dựng như cầu Hang Ngoài tại Gò Vấp; dự án cải tạo đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hòa tại Tân Bình; dự án xây dựng cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa tại Nhà Bè…. Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, việc nhiều dự án giao thông dừng thi công thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ, khiến dự án tăng tổng mức đầu tư.
Trước đó, ngày 8/9, cầu Long Kiểng huyện Nhà Bè được bàn giao 100% mặt bằng để thi công sau hơn 5 năm chờ mặt bằng. Dự án này được phê duyệt từ năm 2001, nhưng đến năm 2007 mới bàn giao được vài hộ dân. Do đó dự án bị tạm ngưng cho đến năm 2018 mới được khởi công, nhưng sau đó lại tạm ngưng vì chưa đủ mặt bằng. Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: “Bồi thường giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng trong việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông”.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, để tránh tình trạng ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng như thời gian qua, trong kiến nghị sửa Luật Đất đai sắp tới, Thành phố kiến nghị đưa giá bồi thường phải sát giá thị trường, nghĩa là không lệ thuộc vào khung giá đất mà có bảng giá đất do chính quyền địa phương ban hành. Trong bảng giá đất do địa phương ban hành sẽ tùy thuộc đặc điểm dân cư, đặc điểm đô thị, vị trí dự án để đưa ra giá bồi thường. Khi giá đất sát với giá của thị trường có thể chi phí dự án tăng, phần nhà tái định cư sẽ tăng, lợi ích doanh nghiệp giảm nhưng tạo ra sự cân bằng giữa lợi ích của nhà nước và của người dân có đất bị thu hồi.