TP.HCM đã hỗ trợ tín dụng các doanh nghiệp trên 350.000 tỷ đồng

Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, với số tiền vốn trên 350.000 tỷ đồng cho hơn 100.000 khách hàng. Đây là kết quả của Chương trình hành động và giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
1-38-1723799126.jpg
TP.HCM đã hỗ trợ tín dụng các doanh nghiệp trên 350.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã thông tin về một số chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó đáng chú ý, Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM và các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện.

Được biết, chương trình áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Với hình thức hỗ trợ do các ngân hàng thương mại đồng hành chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, tự nguyện giảm lãi suất, cho vay mới lãi suất phù hợp và tăng hạn mức tín dụng. Năm 2024 có 17 ngân hàng tham gia.

Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ theo chương trình đạt khoảng 4.400 tỷ đồng, cho vay đối với 15 doanh nghiệp bình ổn và 19 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vay.

Về cơ chế thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tính đến cuối tháng 6/2024, số khách hàng được hỗ trợ đạt 42.000 khách hàng với dư nợ được cơ cấu gốc và lãi đạt 41.000 tỷ đồng.

Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, hiện nay trên địa bàn có 6 dự án được UBND TP. Hồ Chí Minh công bố theo danh mục (đợt 1); trong đó 1 dự án đã được giải ngân theo gói tín dụng này, với hạn mức tín dụng đạt 680 tỷ đồng, dư nợ đến cuối tháng 6/2024 đạt 170,14 tỷ đồng.

Đây là chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại vốn nhà nước (Agribank, BIDV, VCB, Vietinbank). Năm 2024, bổ sung thêm các ngân hàng tham gia chương trình với nguồn vốn là 5.000 tỷ đồng/ngân hàng, gồm các ngân hàng TMCP (VPBank, TPBank, Techcombank và MBBank).

Mặc khác, gói tín dụng lâm sản, thủy sản 15.000 tỷ đồng (năm 2024, quy mô gói đạt 30.000 tỷ đồng). Đến tháng 6/2024, doanh số giải ngân lũy kế từ đầu chương trình đạt 2.843 tỷ đồng, dư nợ của các ngân hàng thương mại đến cuối kỳ báo cáo đạt 1.440 tỷ đồng với 2.015 khách hàng vay vốn. Nhiều ngân hàng đã tham gia hỗ trợ vốn cho chương trình này.

Theo đó, gói tín dụng được áp dụng dành cho khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản với mức lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ./.

Quốc Cường