TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị sớm hàng Tết Quý Mão 2023

Thực tế cho thấy, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào luôn tăng cao và có nhiều biến động dịp cuối năm. Do đó, ngay từ đầu tháng 6/2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu ở TP.HCM đã chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho Tết Quý Mão năm 2023.

Để chủ động nguồn cung cho dịp Tết, từ giữa năm nay, doanh nghiệp Vĩnh Thành Đạt đã ký hợp đồng tăng số lượng thu mua trứng từ các trang trại chăn nuôi ở tỉnh Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu.

Theo chủ doanh nghiệp cho biết, mỗi ngày Vĩnh Thành Đạt cung cấp cho thị trường TP.HCM từ 600.000- 700.000 trứng gà, vịt. Dịp Tết Quý Mão 2023, doanh nghiệp dự kiến số trứng cung cấp mỗi ngày tăng 30% so với ngày thường.

hang-hoa-1666587266.jpg
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu ở TP.HCM đã chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho tết Quý Mão. (Ảnh: tphcm.chinhphu)

Ông Trương Chí Cường, Phó Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho hay, để có giá ổn định giá tốt nhất thì công ty tăng hiệu quả quản lý sản xuất từ trang trại đến trong nhà xưởng để có chi phí xử lý tốt nhất. Tỷ lệ hao hụt, vận chuyển phải tính toán, sử dụng ngay trứng bị móp khi vận chuyển chuyển sang sản phẩm chế biến nhanh, giảm các chi phí như quảng cáo và marketing.

Tiếp đến là Công ty Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (VISSAN), đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh thịt heo tươi sống và thịt chế biến đã đầu tư 710 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng dịp Tết này, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (VISSAN), nếu từ nay đến Tết giá heo hơi vẫn quanh mức 60.000 - 64.000 đồng/kg, VISSAN cam kết không điều chỉnh tăng giá bán.

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu của doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chiếm thị phần lớn, có mặt hàng chiếm đến hơn 60%. Không có doanh nghiệp nào ở ngoài chương trình có thị phần lớn hơn doanh nghiệp bình ổn, nên không có khả năng chi phối thị trường. Ngoài chương trình này, Thành phố còn có chương trình kết nối cung cầu để tăng nguồn cung cho thị trường.

Theo Sở Công Thương, lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 466.000 tỉ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Doanh thu các nhóm hàng trong 9 tháng năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ như: hàng may mặc (ước đạt 33.238 tỉ đồng, tăng 37,4%); lương thực, thực phẩm (ước đạt 83.109 tỉ đồng, tăng 11,4%)...

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước tháng 9 ước đạt 4,16 tỉ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 22,8% so với tháng 9 năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dự ước đạt 36,96 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,4%). Kim ngạch nhập khẩu qua cửa khẩu cả nước 9 tháng ước đạt 48,8 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 21,3%).

Đại diện Sở Công Thương Thành phố cho hay, hiện các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Theo đó, hiện TP đã khôi phục hoạt động 223 chợ, 3 chợ đầu mối, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 3.012 cửa hàng tiện lợi.

Dịch bệnh Covid-19 hơn 2 năm qua đã khiến cho thu nhập của người dân bị giảm đáng kể, cuộc sống khó khăn hơn. Việc TP.HCM chủ động chuẩn bị nguồn hàng Tết từ sớm sẽ đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cho người dân đón Tết trọn vẹn và hạnh phúc hơn.

Hoàng Hà (t/h)