TP.HCM: Sau giải phóng mặt bằng, đời sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn

Ngày 11/9, HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" số tháng 9 với chủ đề "Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM".

Khách mời của chương trình lần này có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Tại chương trình, cử tri quan tâm đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để sớm ổn định cuộc sống khi TP.HCM triển khai dự án đường Vành đai 3.

ban-do-duong-vanh-dai-3-tphcm-2-1662983853.jpg
Bản đồ tổng thể dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Việc bồi thường dự án đường Vành đai 3 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/12/2022. Đến tháng 7/2023, các địa phương sẽ chi trả bồi thường đất ở cho người dân và bàn giao mặt bằng trước ngày 30/12/2023 (khoảng hơn 400 ha) để chủ đầu tư có thể triển khai xây dựng vào năm 2024.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, nhiều dự án về Y tế, Giáo dục, Giao thông, Đô thị… được thực hiện nhờ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, hộ gia đình trong việc bàn giao mặt bằng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến kiến nghị kéo dài, thậm chí khiếu nại của người dân.

Do đó, Thành phố mong muốn sẽ tạo ra sự mẫu mực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ở dự án đường Vành đai 3 để "làm mẫu" cho các dự án khác - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Khi triển khai dự án đường Vành đai 3, Thành phố sẽ điều tra xã hội học để hiểu được đặc điểm sinh kế của người dân, nhằm có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thành phố cũng sẽ xin ý kiến của bà con từ việc tái định cư, khắc phục những vấn đề còn tồn tại.

5-chot1-1662901719669177219044-1662983766.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (thứ 2 từ phải sang) trả lời tại chương trình.

Bất cập đầu tiên chính là chênh lệch giá bồi thường và giá thị trường trong công tác giải phóng mặt bằng. Quan điểm của thành phố là làm sao sau giải phóng mặt bằng, đời sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thêm: "…Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ trên nền pháp lý chung cùng với một số chính sách có thể linh hoạt được, phù hợp với tình hình của thành phố, chứ không thể có một chính sách riêng. Đây là bất cập và cần được giải quyết đồng bộ từ chủ trương, thể chế. Thành phố đang góp ý sửa đổi Luật Đất đai, cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương về vấn đề đất đai…",

Ngoài ra, các dự án trọng điểm sắp tới như đường Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, rạch Xuyên Tâm… Thành phố yêu cầu các sở, ngành chủ động, quan tâm hướng dẫn và thực sự vào cuộc với tinh thần cao nhất để cùng các địa phương làm tốt khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các địa phương có trách nhiệm nắm thật sát, thật rõ từng trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, xem xét nhu cầu, nguyện vọng của từng trường hợp để có giải pháp hỗ trợ, vận động phù hợp.

Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM dài 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6/2022, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Ngọc Thiên Kim