Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 46,28 tỷ USD, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng 3,2-4% năm 2024

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả khá tốt và vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, những thiệt hại do bão và mưa lũ trong tháng 9/2024 khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải có nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi sản xuất để đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2024.
xuat-khau-nong-san-3-1728375648.jpg
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. (Ảnh minh họa)

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt 46,28 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%; nhập khẩu 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%.

Trong tháng 9/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023; trong đó, xuất khẩu nông sản chính 3,41 tỷ USD (tăng 50,9%), lâm sản 1,33 tỷ USD (tăng 11%), thủy sản 920 triệu USD (tăng 13,4%), chăn nuôi 46,1 triệu USD (tăng 19,1%).

Tính chung 9 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng và đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; chăn nuôi 376 triệu USD, tăng 3,8%...

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ngành đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; càphê 4,37 tỷ USD, tăng 39,6% trong khi lượng xuất khẩu giảm 10,5%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% với lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%; hạt điều 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả 5,87 tỷ USD, tăng 39,4); tôm 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%; cá tra 1,36 tỷ USD, tăng 7,8%; hạt tiêu 1 tỷ USD, tăng 46,9%.

xuat-khau-nong-san-2-1728375616.jpg
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ngành đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; càphê 4,37 tỷ USD, tăng 39,6%. (Ảnh minh họa)

Giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng, trong đó càphê tăng cao nhất với 56% đạt 3.897 USD/tấn; đứng thứ hai là hạt tiêu đạt 4.941 USD/tấn tăng 49,2%; tiếp đến là cao su tăng 19%, gạo tăng 13,1%...

Trong 9 tháng, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng như: Châu Á tăng 17,4%; châu Mỹ tăng 26,1%; châu Âu tăng 34,6%; châu Đại Dương tăng 16,1%; riêng châu Phi giảm 0,3%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất với mức 21,6%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 20,8% và Nhật Bản chiếm 6,6%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng năm 2024 là 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nông sản là19,95 tỷ USD, tăng 7,6%; sản phẩm chăn nuôi 2,8 tỷ USD, tăng 9,2%; thuỷ sản 1,89 tỷ USD, giảm 2,5%; lâm sản 2,09 tỷ USD, tăng 25,7%; đầu vào sản xuất 5,67 tỷ USD, tăng 4,6%; muối 26 triệu USD, giảm 21,8%.

Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ châu Á 9,4 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Mỹ 7,99 tỷ USD, tăng 13,9%; châu Đại Dương 1,3 tỷ USD, giảm 39,4%; châu Âu 1,5 tỷ USD, tăng 22,4% và châu Phi 1,3 tỷ USD, giảm 12,2%.

Kỳ vọng bứt phá xuất khẩu những tháng cuối năm 2024

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 46,28 tỷ USD, nhập khẩu 32,42 tỷ USD, xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%. Trong 3 tháng cuối năm cũng sẽ là thời điểm thuận lợi chúng ta để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản năm 2024.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: Về cơ bản các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp đang khá tốt. Trong 9 tháng, sản lượng trên diện tích thu hoạch lúa đạt hơn 34 triệu tấn, tăng 1,5%. Kết quả tăng trưởng này là do các địa phương đã có kế hoạch ứng phó, tranh thủ thu hoạch trước bão nên chưa ảnh hưởng thiệt hại trong tháng 9, tuy nhiên mưa lũ có thể ảnh hưởng đến kết quả sản xuất lúa của 3 tháng cuối năm.

Đối với chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi 6,13 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù ngành chăn nuôi bị thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng do bão lũ nhưng năm nay chúng ta vẫn cố gắng về đích với tổng sản lượng thịt hơi đạt trên 8 triệu tấn (năm 2023 là 7,79 triệu tấn).

Chúng ta đang triển khai các giải pháp để phục hồi chăn nuôi để bù đắp lại thiệt hại do bão lũ, trong đó tập trung vào gà công nghiệp nuôi chưa đến 40 ngày được một lứa, gà lông màu nuôi 3 tháng, vịt cao sản nuôi 40 ngày, lợn nuôi 4 tháng… bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang thúc đẩy các khu vực chăn nuôi quy mô lớn như Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hóa… để bù đắp cho sản lượng bị thiệt hại ở các tỉnh phía Bắc.

xuat-khau-nong-san-1-1728375747.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh Vietnam+)

Về thủy sản, sản lượng 9 tháng đạt hơn 7 triệu tấn , tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cả khai thác và nuôi trồng thủy sản đều vẫn duy trì đà tăng trưởng. Hoạt động sản xuất thủy sản trong tháng tại các địa phương ven biển phía Bắc bị ảnh hưởng lớn bởi cơn bão số 3, tuy nhiên, nhờ kết quả sản xuất thủy sản tại các địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hoạt động nuôi trồng thủy sản cả nước 9 tháng vẫn phát triển ổn định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với các tỉnh phía Nam để thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản, đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 7,23 tỷ USD tăng 7,9%.

Về lâm nghiệp, mặc dù bão lũ đã làm thiệt hại, ảnh hưởng 170.000 hecta nhưng trong 9 tháng đã trồng 187.200 hecta rừng, tăng 2,5%; sản lượng gỗ khai thác 16.068.900 m3, tăng 7%.

Tất cả các ngành hàng nông nghiệp đều đang có sự chỉ đạo quyết liệt, duy trì được đà tăng trưởng và cố gắng phục hồi sản xuất nông nghiệp nhanh để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,2-4% trong năm 2024./.

Bình Nguyên